Theo dõi trên

Cây dừa nơi chân cát

31/10/2017, 08:39

BT- Ông Trần Văn Giám (SN 1948), một lão thành cách mạng - người dân Giồng Triền, Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: Không mấy ai biết được cây dừa có từ bao giờ, bản thân ông, từ nhỏ cha mẹ sinh ra đã thấy cây dừa. Chạy dài theo chân cát Giồng Triền cây dừa gắn liền với tuổi thơ biết bao thế hệ người dân nơi đây. Dừa có sức sống mãnh liệt, luôn đâm chồi, bén rễ và từng hiên ngang giữa bom đạn quân thù. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và Mỹ, rặng dừa xanh là thành trì, hậu cứ vững chắc chở che quân và dân Giồng Triền Hàm Thuận.

Ông Trần Huyền Long, thương binh 2/4 (thôn 2 Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết: Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nước dừa ngoài dùng giải khát lúc hành quân, còn sử dụng dùng làm dịch truyền cho anh em chiến sĩ bị thương, thân dừa dùng làm hầm trú đạn… Ngày đất nước độc lập, vườn dừa được người dân Giồng Triền Hồng Sơn khôi phục. Quanh mỗi ngôi nhà ở đây được che phủ bởi dừa. Người dân ở đây luôn tự hào về sức chịu đựng dẻo dai của loại cây trồng này, dù trong hoàn cảnh nào cũng có thể vươn lên.

Vùng đất Giồng Triền được gọi là “đất im”. Bởi chân đất này có nguồn nước gió quanh năm, giữ được độ ẩm, thích hợp cho nhiều loại cây trồng. Tuy nhiên, ở những vùng trũng, nê nước, nhiễm phèn nặng thì khó có loại cây trồng nào phát triển được ngoài cây dừa. Anh Nguyễn Văn Chung – thôn 1, xã Hồng Sơn cho biết: Gia đình anh có 3 sào “đất im”, bị nê nước và nhiễm phèn nặng. Hơn 10 năm trước anh thử trồng nhiều loại cây nhưng không hiệu quả. Qua nghiên cứu, học tập, anh Trung áp dụng phương pháp lên liếp trồng 300 cây dừa xiêm xanh, với khoảng cách cây và hàng cách hàng 4,5m. Áp dụng kỹ thuật trồng theo phương pháp này, dừa phát triển khá tốt, chỉ sau 2 năm rưỡi thì cho trái; 3 năm gần đây, dừa được giá, thương lái mua tại vườn mỗi quả từ 7.000 – 10.000 đồng. Hàng tháng 300 cây dừa, gia đình anh Trung thu nhập hơn 20 triệu đồng.

Anh Trần Xuân Hải – Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Sơn cho biết: Toàn xã Hồng Sơn có khoảng 800 ha “đất im” với gần 800 hộ dân trực tiếp sản xuất. Trong đó, 120 hộ trồng 30 ha dừa xiêm xanh truyền thống. Loại cây trồng này được chính quyền xã Hồng Sơn chú trọng, khuyến khích nông dân đầu tư phát triển.

Chị Nguyễn Thị Thảo hiện là giáo viên nhưng rất đam mê sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2012 đến nay, chị đã trồng hơn 3.000 cây dừa trên diện tích hơn 10 ha “đất im” của cha để lại. Đất không phụ công người, nơi chân cát, cây dừa phát triển tốt, ít sâu bệnh hại, chỉ sau hai năm rưỡi dừa bắt đầu ra hoa đóng trái. Trong số 3.000 cây dừa của gia đình chị Thảo có 300 cây dừa xiêm dứa, 500 cây dừa xiêm lục còn lại là giống dừa xiêm xanh địa phương. Để chăm sóc tốt số dừa trên, chị Thảo thuê 5 nhân công chăm sóc thường xuyên từ bón phân đến phát dọn cỏ dại. Đặc biệt khâu theo dõi sâu bệnh hại dừa, phòng trừ kiến dương và bọ dừa, chị Thảo áp dụng phương pháp thủ công và duy trì phát triển đàn kiến vàng - loài thiên địch khắc tinh của bọ cánh cứng, bọ vòi voi chuyên phá hại dừa. Áp kỹ thuật trồng dừa theo phương pháp sạch, các sản phẩm phụ, như bẹ, lá, vỏ dừa khô được chị Thảo cho nhân công thu gom, đưa vào máy xay nhuyễn dùng bón quanh gốc dừa, giữ được độ ẩm và cũng là nguồn phân hữu cơ phục vụ cho dừa phát triển. Chị Thảo cho biết: Năm 2017 này, vườn dừa 3.000 cây bắt đầu cho thu nhập khá. Trong đó, 1.500 cây dừa 5 năm tuổi đạt năng suất, sản lượng cao. Trung bình cứ 2 tháng mỗi cây dừa cho thu hoạch 3 quầy, mỗi quầy khoảng 10 trái. Với mức giá hiện nay, trung bình mỗi cây dừa cho thu nhập khoảng 1 triệu đồng/năm. Chỉ tính riêng 1.500 cây dừa 5 năm tuổi, năm  nay chị Thảo sẽ thu khoảng 1,5 tỷ đồng. Không dừng lại ở thu nhập từ dừa trái, chị Thảo học hỏi và đang thực nghiệm phương pháp lấy “mật hoa dừa”. Khi cây dừa cho trái ổn định từ 5 năm trở lên có thể chọn những bắp hoa căng tròn sắp nở để xử lý thu hoạch mật hoa dừa. Hiện trên thị trường đã sản xuất ra nhiều sản phẩm từ “mật hoa dừa” có giá trị kinh tế cao.

Chuyển đổi cây trồng phù hợp đất đai, khí hậu mang lại hiệu quả kinh tế dài lâu là cái đích của người nông dân. Đất lành chim đậu, với môi trường trong lành của những vườn dừa chạy dài chân cát, đàn ong mật từ đâu cứ hội tụ về làm tổ mỗi ngày một nhiều. Ong sẽ giúp cho dừa được thụ phấn tốt hơn, ngược lại dừa cung cấp cho đàn ong vị ngọt hoa dừa, một sự trao đổi hữu ích để cùng tồn tại và phát triển. Người dân vùng Triền  nói chung, xã Hồng Sơn, Hồng Liêm, Hàm Đức nói riêng đang khai thác, phát huy hiệu quả cây dừa nơi chân cát.

NguyỄn ThưỜng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cây dừa nơi chân cát