Theo dõi trên

Chăm sóc cây trồng sau ngập lụt

26/09/2024, 05:36

1. Hiện nay đang cao điểm mùa mưa lũ nên sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn do thời tiết. Nhất là từ thời điểm cuối tháng 8/2024 đến nay, nhiều địa phương trong tỉnh như Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Đức Linh thường xuyên xảy ra mưa lớn, gây ngập nhiều cây trồng. Trong số đó, nhiều diện tích lúa vụ mùa mới gieo bị ngập úng, thiệt hại về kinh tế của người dân.

Đơn cử tại huyện Tánh Linh, mưa lớn trong ngày 17 -18/9 trên địa bàn xã Đức Phú và Nghị Đức đã gây ngập úng khoảng 100 ha lúa gieo sạ từ 2-8 ngày tuổi, ước thiệt hại khoảng 320 triệu đồng. Trên địa bàn xã Đức Bình và Huy Khiêm, cơn mưa lớn ngày 11/9 đã gây ngập 320 lúa mùa 2024 mới gieo sạ bị ngập lụt, vẫn chưa đánh giá cụ thể về thiệt hại.

3c2db8e2-eaae-4cd9-aa8b-73445971e16d.jpeg
Mưa lớn gây ngập lụt lúa mới gieo tại huyện Tánh Linh những ngày qua. 

Cùng thời gian 17-18/9 tại huyện Đức Linh cũng xảy ra mưa lớn, gây thiệt hại trên địa bàn xã Đa Kai, Sùng Nhơn, Mê Pu. Trong đó, diện tích lúa mùa mới gieo sạ từ 5 -12 ngày tuổi bị ngập trên 157 ha. Trước đó, vào đầu tháng 9/2024 mưa lũ xảy ra trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc đã gây ngập 670 ha lúa (từ 1 – 20 ngày tuổi) vụ mùa và lúa đang chín vụ hè thu 2024. Bao gồm xã Thuận Minh bị ngập 500 ha, Hàm Phú 150 ha và thị trấn Ma Lâm 20 ha, ước giá trị thiệt hại tạm thời khoảng 5 tỷ đồng. Riêng tại Hàm Thuận Nam, đợt mưa lũ vào cuối tháng 8/2024 đã khiến trên 1.000 ha thanh long và hoa màu bị ngập úng, gây thiệt hại nặng đối với nông dân và ảnh hưởng đến việc khôi phục cây trồng…

Tại các địa bàn xảy ra ngập úng, địa phương đã chủ động phối hợp các ngành liên quan kiểm tra các khu vực bị ngập, huy động lực lượng nạo vét các tuyến kênh và khơi thông rác tấp về tại các vị trí phay chắn công trình thủy lợi, cống thoát nước trong khu dân cư nhằm khơi thông dòng chảy để nước rút nhanh, hạn chế ngập úng. Đồng thời tiếp tục cử cán bộ cùng người dân theo dõi, tranh thủ chăm sóc, bón phân…

7369cae8809826c67f89.jpg
Người dân dọn rác, khơi thông dòng chảy để hạn chế thiệt hại.

2. Trước ảnh hưởng nặng của mưa lớn, ngập lụt, thời điểm này nông dân các địa phương bị thiệt hại đang tiến hành khôi phục sản xuất. Th.s Lê Công Hoàng - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo một số giải pháp kỹ thuật đối với cây trồng.

Theo đó đối với cây lúa, những ruộng bị ngập dưới 4 ngày, cây có thể hồi phục được bằng cách tiến hành thoát nước, tránh để tình trạng lá rạp trên mặt nước. Đồng thời, vệ sinh rác trên ruộng dùng nước té rửa lá khỏi rong rêu, bùn bám trên lá, giúp cây quang hợp, với tỉa dặm những chỗ mất cây. Khi cây lúa đứng cây, bà con nên sử dụng một số phân bón lá kết hợp với chất kích thích rễ hoặc chế phẩm sinh học giúp cây hồi phục rễ. Khi cây mọc rễ trở lại, tiến hành rải phân NPK bổ sung. Cần lưu ý tăng cường thêm lượng Kali giúp cứng cây, hạn chế đổ ngã. Sau khi cây đã hồi phục, nông dân tiến hành thăm đồng thường xuyên để phát hiện các dịch hại (chủ yếu bệnh đạo ôn, thối thân, khô vằn, rầy nâu, sâu cuốn lá và sâu đục thân) để có biện pháp xử lý kịp thời.

3ce9d37e17b6b1e8e8a7.jpg
Nông dân Hàm Thuận Nam kiểm tra vườn thanh long khi nước lũ rút dần.

Đối với những ruộng ngập trên 4 ngày không có khả năng phục hồi, cần tiến hành trục bừa rút nước và tiến hành gieo cây lại cho kịp thời vụ. Những ruộng gieo cấy lại cần theo dõi và xử lý hiện tượng ngộ độc hữu cơ ở giai đoạn mạ.

Theo Th.s Lê Công Hoàng, đối với các loại cây ăn trái, sau khi lũ cần tiến hành thoát nước, dọn vệ sinh vườn và rửa bùn bám trên thân, cành lá để hạn chế mầm bệnh và tăng cường quang hợp cho cây. Đối với các cây đang mang hoa, trái thì tiến hành loại bỏ các hoa, trái bị hư, chỉ giữ lại lượng hoa quả phù hợp với tình trạng sức khỏe của cây. Song song, rải vôi khử trùng đất, kết hợp với phá váng để cung cấp oxy vào đất, tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển. Đối với những vườn cây bị hư rễ nặng (ngập trên 3 ngày) cần tiến hành xử lý thuốc trừ bệnh phun lên cây bằng các hoạt chất Metalaxyl, Dimethomorph hoặc Fosetyl Aluminium theo liều lượng khuyến cáo trên bao bì. Sau đó từ 7-10 ngày tiến hành phun chất kích thích rễ kết hợp với bổ sung dinh dưỡng qua lá cho cây bằng các loại phân bón lá sau khi thấy rễ mới phát triển, rải phân NPK với liều lượng nhẹ hoặc kết hợp với phân hữu cơ để cung cấp dinh dưỡng cho cây phục hồi, riêng đối với thanh long cần dùng rơm để che tủ lại rễ.

KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hàm Thuận Bắc: Mưa lũ khiến 1 người bị cuốn trôi tử vong, thiệt hại ban đầu 5 tỷ đồng
Chiều nay (2/9), ông Nguyễn Minh Trí – Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hàm Thuận Bắc thông tin, trong 2 ngày (1 và 2/9) trên địa bàn huyện có mưa lớn ở một số khu vực, phạm vi ảnh hưởng trên địa bàn 3 xã, thị trấn. Nước từ thượng nguồn đổ về đã làm ngập lụt nhiều diện tích cây trồng và hư hỏng đường giao thông nội đồng, đặc biệt làm chết 1 người (do lũ cuốn trôi).
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chăm sóc cây trồng sau ngập lụt