Theo Thông báo số 16/TB-KTNN do Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Nguyễn Tuấn Anh ban hành mới đây về kiểm toán lĩnh vực môi trường tại Nhà máy nhiệt điện đốt than Vĩnh Tân 1, do Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 (Công ty BOT) làm chủ đầu tư cho thấy doanh nghiệp này thiếu giấy phép gần 9 tháng trong việc xả nước thải làm mát vào nguồn nước biển, trước khi Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN & MT) cấp giấy phép chính thức cuối năm rồi. Qua việc quản lý lĩnh vực môi trường tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân (TTĐLVT) còn bất cập, Phó Tổng KTNN đã nêu những kiến nghị bảo vệ môi trường ở trung tâm điện lực lớn nhất cả nước. Theo đó, đối với Công ty BOT xử lý nước thải đảm bảo chất lượng, có biện pháp phòng ngừa, phát hiện xử lý kịp thời xảy ra sự cố; giám sát chặt chẽ than đầu vào có biện pháp xử lý khí thải trong giới hạn cho phép; thực hiện xử lý, tiêu thụ tro xỉ theo đề án phê duyệt. Công ty khẩn trương hoàn thành kiểm định đầy đủ toàn bộ hệ thống quan trắc theo quy định về quan trắc môi trường. Đơn vị xử lý bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải phù hợp, không ảnh hưởng chất lượng tro xỉ để dùng làm nguyên liệu thời gian tới; giám sát chặt chẽ nước thải công nghiệp sau xử lý được tái sử dụng tưới tro xỉ, đặc biệt thực hiện quan trắc liên tục đối với một số chỉ số như Clorua. Doanh nghiệp báo cáo cơ quan quản lý về khối lượng sử dụng chất keo tụ để xử lý nước thải nhiễm than, các hóa chất súc rửa đường ống phục vụ kiểm tra, giám sát sở ngành chức năng…
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.
Đối với UBND tỉnh, xem xét xử phạt hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường Công ty BOT qua kết quả kiểm toán đã nêu không có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước năm vừa qua. Tỉnh chỉ đạo Sở TN & MT kiểm điểm rút kinh nghiệm trong công tác quản lý dữ liệu quan trắc tự động chưa đảm bảo tính hiệu lực cần thiết, chưa xử lý kịp thời những vi phạm về công tác bảo vệ môi trường của Công ty BOT. Sở TN & MT tăng cường chất lượng báo cáo kết quả mạng lưới quan trắc môi trường thông qua phản ánh đầy đủ các chỉ số vượt quá giới hạn cho phép. Đồng thời phân tích rõ nguyên nhân, so sánh giữa các thời kỳ để thể hiện rõ xu hướng biến động, có giải pháp chấn chỉnh kịp thời; tăng cường giám sát bảo vệ môi trường tại TTĐLVT…
Kiểm điểm xem xét trách nhiệm
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Văn Thái, Phó Giám đốc Sở TN & MT cho biết: “Qua kiến nghị của KTNN, chỉ đạo của UBND tỉnh, sở đang phối hợp Sở Công Thương, Nông nghiệp & PTNT xem xét trách nhiệm của từng ngành, trong giám sát môi trường TTĐLVT thời gian qua; kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan đến tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý dữ liệu quan trắc tự động, không phát hiện xử lý kịp thời vi phạm về công tác bảo vệ môi trường của Công ty BOT. Đồng thời, sở xúc tiến điều chuyển hệ thống tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động từ Trung tâm Công nghệ thông tin TN & MT về Trung tâm Quan trắc TN & MT thuộc sở. Kiểm tra, đảm bảo hệ thống tiếp nhận đầy đủ các thông số nước thải, khí thải được quan trắc; rà soát, điều chỉnh hệ thống cảnh báo trong trường hợp có chỉ tiêu vượt ngưỡng. Bố trí cán bộ có chuyên môn về môi trường chịu trách nhiệm quản lý, giám sát hệ thống dữ liệu, thực hiện truyền dữ liệu quan trắc tự động về Bộ TN & MT”. Sở TN & MT báo cáo UBND tỉnh nội dung liên quan trên chậm nhất vào 20/3/2019.
Chưa tuân thủ bảo vệ môi trường Thời gian dài vận hành thử nghiệm, phát điện thương mại 2 tổ máy số 1, số 2, Công ty BOT đã khai thác, sử dụng nước biển, xả nước thải làm mát vào nguồn nước khi chưa được Bộ TN & MT cấp giấy phép. Trong năm 2018, 2 tổ máy vận hành sản xuất tổng sản lượng điện thương mại hơn 2.000 triệu kWh đã khai thác, sử dụng khối lượng nước biển khá lớn cũng như tuần hoàn làm mát, trước khi xả ra kênh xả nước làm mát dùng chung với Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, sau đó thải ra biển chưa đảm bảo theo quy định, ảnh hưởng môi trường chung toàn TTĐLVT. Cũng từ tháng 4/2018 đến cuối năm trước, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 vận hành sử dụng tổng lượng than cám 6a.1 phát điện thương mại hơn 1 triệu tấn, phát sinh hơn 700.000 m3 tro xỉ chôn lấp tại bãi nhà máy, nhưng việc triển khai đề án xử lý, tái sử dụng tro xỉ mới được Công ty BOT phê duyệt ngày 12/12/2018. Ngoài ra, chỉ số NOx trong khí thải ra môi trường tại một số thời điểm vượt ngưỡng cho phép theo cam kết báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ TN & MT phê duyệt. |
Trong diễn biến liên quan, trước đó tại các buổi họp với chủ đầu tư TTĐLVT về môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai đã nhấn mạnh: “Cần tăng cường giám sát kênh xả nước làm mát dùng chung với các Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (1, 2 và Vĩnh Tân 3 sau này), trước khi thải ra biển. Hiện nước làm mát sau xử lý có các thông số pH, lưu lượng, nhiệt độ, Clo dư, DO, COD, TSS ở mức cột B quy chuẩn Việt Nam trước khi xả ra kênh dùng chung, đề nghị nâng lên mức cột A để đảm bảo môi trường lâu dài trong khu vực. Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ đầu tư các Nhà máy nhiệt điện (2, 4, 4 mở rộng) cần chủ động phối hợp chủ đầu tư các Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (1, 3) thống nhất ban hành quy chế phối hợp bảo vệ môi trường hệ thống dùng chung như kênh xả nước thải ra biển, đường liên thông nội bộ ra bãi xỉ”.
Thái Khoa