Mỗi giáo viên đều cố gắng nghiên cứu, trau dồi nâng cao kiến thức. |
Đề án được Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Sở Nội vụ, Sở Tài chính tổ chức triển khai thực hiện từ tháng 11/2011 đến tháng 12/2015 hoàn thành. Theo đề án, toàn tỉnh có 21 trường cử 418 giáo viên đưa vào diện khảo sát. Trong đó, Trường THPT Lý Thường Kiệt – thị xã La Gi có số lượng giáo viên khảo sát nhiều nhất là 26, ít nhất là Trường THPT Hàm Thuận Nam – huyện Hàm Thuận Nam 2 giáo viên. Kết quả, có 26 giáo viên xếp loại giỏi, 293 khá, 94 trung bình, yếu 5. Riêng Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo, tất cả giáo viên đều đưa vào danh sách khảo sát kiến thức nghiệp vụ sư phạm. Đa số các giáo viên đều xếp loại khá trở lên, có giáo viên đạt điểm tối đa là 20 điểm, số giáo viên đạt điểm trung bình chưa tới 7%. Qua khảo sát đánh giá, Ban giám hiệu Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo có cơ sở để đánh giá lại năng lực đội ngũ, từ đó có hướng đề xuất bố trí các thành viên trong hội đồng giáo dục nhà trường.
Trong 5 năm liên tục, Phòng Giáo dục Trung học – Sở Giáo dục và Đào tạo bám sát nội dung đề án, thành lập Ban tổ chức và xây dựng kế hoạch khảo sát, đánh giá. Ban tổ chức lập danh sách giáo viên được hiệu trưởng các trường THPT không chuyên đề xuất đánh giá và giáo viên trường THPT chuyên trong diện khảo sát. Các giáo viên được khảo sát sẽ trải qua 2 phần thi. Trước hết là phần kiểm tra kiến thức nghiệp vụ sư phạm với hình thức trắc nghiệm khách quan. Tài liệu khảo sát được công bố công khai từ các văn bản pháp quy về giáo dục để giáo viên nghiên cứu ôn tập. Đối với phần thi này, tất cả các giáo viên trong diện khảo sát sẽ tập trung về Phan Thiết để làm bài. Từ khâu ra đề, cử người làm giám thị và chấm bài đều triển khai thực hiện đúng theo quy chế bảo mật, khách quan. Phần thi thứ hai là kiểm tra kiến thức chuyên môn và kỹ năng lên lớp là những bài học của học sinh có trong chương trình và sách giáo khoa hiện hành. Ban giám khảo đánh giá phần kiến thức và kỹ năng lên lớp cho giáo viên bốc thăm, chọn tiết dạy theo thời khóa biểu của đơn vị sở tại và di chuyển đến từng trường để dự giờ đánh giá tiết dạy. Đến năm 2014-2015, Ban tổ chức không đưa giám khảo đến từng trường để khảo sát đánh giá như những năm trước mà phân theo cụm. Theo đó sẽ chọn 1 trường trong cụm để tập trung giáo viên về thể hiện tiết dạy nhằm rút ngắn thời gian trong từng đợt khảo sát.
Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, việc triển khai thực hiện đề án đã tác động mạnh mẽ, tích cực đến đội ngũ giáo viên. Bản thân mỗi thầy cô giáo đều nhận thức rất rõ rằng phải cố gắng nghiên cứu, học tập, trau dồi nâng cao kiến thức và nghiệp vụ để không bị đưa vào danh sách khảo sát, đánh giá. Đó vừa là ý thức trách nhiệm nghề nghiệp, vừa thể hiện lòng tự trọng về vị trí và tư cách nhà giáo. Đối với những giáo viên được khảo sát đánh giá đã có những tiến bộ rõ rệt rất đáng khích lệ. Có giáo viên đánh giá xếp loại lần 1 trung bình, đến lần 2 cách 3 năm sau xếp loại giỏi. Trên cơ sở kết quả đánh giá khảo sát, lãnh đạo các trường cần sớm xây dựng kế hoạch bố trí lại công việc cho giáo viên một cách hợp lý và trình lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo giải quyết. Đồng thời các trường tiếp tục xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên những năm tiếp theo.
THU HÀ