Nhiều vụ khai thác ngang nhiên, nhưng tại sao chậm xử lý?
Giám đốc Sở TNMT Hồ Lâm đăng đàn đầu tiên với hàng loạt câu hỏi như trách nhiệm của Sở trong việc để xảy ra tình hình khai thác, vận chuyển, tàng trữ khoáng sản ồ ạt thời gian qua ra sao? Nhiều ý kiến cho rằng khai thác khoáng sản trái phép không chỉ diễn ra trong 1 vài giờ, 1 vài ngày mà cả thời gian dài tại khu vực mỏ và vận chuyển về nơi tiêu thụ cả một quảng đường không ngắn. Sự việc khai thác rất dễ phát hiện. Nhưng lý do tại sao thời gian qua lại chậm phát hiện. Mặc dù tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo nhưng vẫn diễn ra, đề nghị làm rõ.
Giám đốc Sở TNMT trả lời chất vấn |
Việc vận chuyển vật liệu khoáng sản khá rầm rộ, tại hiện trường có cả xe múc, máy đào, xe ô tô nhưng lại không kiểm tra, xử lý kịp thời.
Tình trạng khai thác cát theo các sở, ngành cho biết có xu hướng giảm. Nhưng theo thông tin từ cử tri mới ngày hôm qua (18/7) tại địa bàn Hàm Tân vẫn còn diễn ra tình trạng này, xe 3 cầu vẫn vận chuyển ngang nhiên cát trái phép, lý do vì sao? Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Một số đoàn kiểm tra liên ngành có tiến hành xử phạt, điều chỉnh hành vi, nhưng chỉ xử lý tang vật khi phát hiện và rất nhẹ so với hậu quả gây ra? Có tình trạng cử tri phản ánh thì bị tổ chức, cá nhân khai thác đe dọa, ngành chức năng có xử lý nhưng vẫn bị đe dọa khi tố cáo các hành vi vi phạm? cần làm rõ như thế nào?
GĐ Sở TNMT Hồ Lâm cho biết, với tổng số vụ vi phạm khai thác khoáng sản trái phép từ cuối năm 2017 đến nay là 320 vụ với tổng số tiền xử phạt hành chính là hơn 1,8 tỉ đồng. Tình trạng khai thác cát có giảm nhiều nhưng chưa triệt để.
Ngành đã đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo xử lý tại các điểm nóng có dấu hiệu diễn biến phức tạp tại các vị trí báo, đài và cử tri phán ánh. Đồng thời UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo phân công trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, địa phương kiểm tra, xử lý…
Trách nhiệm giám đốc Sở TNMT ra sao trước UBND tỉnh về vấn đề này? ĐB Nguyễn Toàn Thiện thẳng thắn đề cập. GĐ Lâm cho rằng trách nhiệm trước hết thuộc Sở TNMT. Giám đốc Hồ Lâm cũng thừa nhận: Trong quá trình thực hiện các thủ tục như cấp phép còn kéo dài thời gian. Tuy nhiên có những cái do phải đảm bảo các thủ tục nên phải để lâu. Về câu hỏi xử lý khoáng sản vùng giáp ranh ra sao? Ông Lâm cho biết: Việc xử lý, tịch thu được tang vật nhưng vận chuyển về vị trí phù hợp để định giá rất khó khăn, do không có phương tiện vận chuyển. Đây là những bất cập của ngành, lĩnh vực rất mong các đại biểu chia sẻ thêm.
Đại biểu Nguyễn Toàn Thiện chất vấn xung quanh việc khai thác khoáng sản không có giấy phép |
ĐB Phạm Thị Minh Hiếu đặt vấn đề: với nhiều biện pháp tăng cường kiểm tra chỉ đạo trước tình hình khai thác cát ồ ạt, xử phạt 320 vụ với tổng số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. Số vụ vi phạm này được cơ quan nào kiểm tra vi phạm, xảy ra ở địa phương nào nhiều?. Chỉ đạo một số địa phương để buông lỏng ra sao? vậy kết quả như thế nào? Ông Lâm cho biết: Cụ thể có số liệu tại từng địa phương, ngày 20 hàng tháng có báo cáo về Sở, đều có tổng hợp báo cáo và sẽ gởi cho đại biểu sau.
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiếu chất vấn tình hình mua bán vận chuyển cát |
Đối tượng khai thác manh động, rất khó để xử lý
Tiếp theo vấn đề khai thác cát, ĐB Trần Nguyên Lộc truy tiếp: Liệu có tình trạng ngại xử lý tịch thu phương tiện khai thác và tang vật hay không? Nếu không tịch thu thì có thu được lại số tang vật bất hợp pháp hay không? Có truy xuất hành vi và tang vật trước đó hay không?
Đại biểu Trần Nguyên Lộc chất vấn vận chuyển khoáng sản trái phép |
Giám đốc Sở Công Thương Đỗ Minh Kính cho rằng việc truy xuất có thực hiện nhưng không phải vụ việc nào cũng truy xuất. Các đối tượng khai thác rất manh động, ngay cả trong hoạt động kinh doanh, tàng trữ khi kiểm tra có đối tượng bất hợp tác, không ký biên bản, không khai báo. Thậm chí huy động lực lượng xã hội đen hăm dọa ngành chức năng. Nên lực lượng kiểm tra cũng rất vất vả để tiến hành xử lý.
Giám đốc Sở Công Thương- Đỗ Minh Kính trả lời chất vấn |
Chưa hài lòng với nội dung trả lời của lãnh đạo Sở TNMT, ĐB Nguyễn Toàn Thiện tiếp tục: vấn đề khai thác cát thuộc thẩm quyền của Sở TNMT, nhưng không thấy trách nhiệm của Sở này đề cập. Đề nghị xem xét lại. Hiện Ngành TNMT chưa thống kê đầy đủ tọa độ bảo vệ khoáng sản, phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Có tình trạng có giấy phép nhưng không biết khai thác ở đâu.? Sở TNMT cho biết việc kiểm tra những bãi cát không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp thì có tịch thu tang vật được không?
Đối với bảo vệ khoáng sản chưa khai thác UBND tỉnh đã ban hành phương án quản lý, trong đó, giao nhiệm vụ cho các ngành, địa phương, nhất là các huyện, xã vùng giáp ranh. UBND tỉnh đã ký quy chế phối hợp với các tỉnh giáp ranh bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
Truy, bắt, xử phạt chỉ là giải pháp “chữa cháy”, khó triệt để
ĐB Lê Văn Long (Bắc Bình) đã thừa nhận trách nhiệm đối với người đứng đầu địa phương để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, ông cho rằng các giải pháp của Sở TNMT như bắt, xử phạt, tịch thu… chỉ mang tính tạm thời.
Đại biểu Lê Văn Long chất vấn khai thác khoáng sản trái phép |
Thực trạng hiện nay là do tình trạng mất cân đối cung cầu quá lớn về khoáng sản, do đó phải tìm giải pháp chiến lược hơn mới hạn chế được tình hình này.
ĐB Long cũng đề nghị phải rút ngắn thời gian đăng ký, lập hồ sơ, cấp giấy phép khai thác cát. Hiện tại thủ tục rất rườm rà, quá chậm. Biện pháp lâu dài cần mạnh dạn kiến nghị, bổ sung, điều chỉnh luật khoáng sản.
GĐ Hồ Lâm cũng thừa nhận việc khai thác có thời gian, có địa điểm, có phương tiện nhưng chậm xứ lý, phát hiện. Khi phát hiện trường hợp khai thác trái phép, được điện về đường dây nóng, cho lực lượng kiểm tra đi kiểm tra, tuy nhiên khi đến thì không phát hiện ở hiện trường. Hoặc có trường hợp người dân báo nhưng không để lại số điện thoại, rất khó để kiểm tra. Việc phối hợp có nhưng chưa kịp thời xử lý những điểm nóng.
Quá trình xứ lý có trường hợp tịch thu phương tiện, lập biên bản (như ở Bắc Bình) nhưng vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu. Hoặc như ở Hàm Thuận Nam, tịch thu được tang vật nhưng không có phương tiện để vận chuyển về một nơi để định giá tài sản. Đây là một bất cập.
Ngăn chặn tình trạng hóa đơn “ma” trong mua bán cát ra sao?
Liên quan đến tình hình xử lý hóa đơn vật liệu thông thường hợp lý hợp lệ – Giám đốc Sở tài Chính Nguyễn Văn Phong trả lời bổ sung: vấn đề về hóa đơn trong thanh toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản, theo Thông tư 09 không phân biệt hóa đơn trong và ngoài tỉnh. Do đó, thời gian vừa qua, đại biểu có nêu một số công trình dự toán từ nguồn ngân sách hoặc từ nguồn giao thông nông thôn, sử dụng hóa đơn khác để hợp thức hóa việc thanh quyết toán vốn đầu tư. Làm rõ thêm vấn đề, ông Phong cho biết, đối với các hợp đồng theo khối lượng phát sinh thêm không có trong dự toán, sẽ phải kiểm tra lại trên hóa đơn, hầu hết việc thanh quyết toán các công trình căn cứ vào các dự án phê duyệt, kết quả đấu thầu và xét đấu giá kết quả đó để thanh quyết toán.
Giám đốc Sở Tài chính- Nguyễn Văn Phong trả lời chất vấn của các đại biểu |
Để ngăn chặn trường hợp sử dụng hóa đơn “ma” hợp thức hóa ở các công trình thuộc ngân sách nhà nước, xác định rõ ngay từ đầu, nghĩa là khi duyệt dự toán đầu tư, đầu tiên phải xác định rõ nguồn vật liệu cát, sỏi xây dựng, sau đó yêu cầu chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện giám sát các đơn vị thi công trong quá trình triển khai thực hiện công trình, đảm bảo vật liệu cát, sỏi này là hợp pháp…
Khi thanh quyết toán, cơ quan Tài chính phối hợp với Kho Bạc tỉnh lưu ý rà soát lại hồ sơ chứng từ liên quan việc sử dụng đất, cát, sỏi bồi nền xây dựng, xem loại vật liệu này có hợp pháp không… Như vậy sẽ ngăn chặn được hóa đơn “ma” này, sẽ triển khai khi UBND tỉnh có chỉ đạo trong thời gian tới.
Ông Hồ Lâm cũng cho biết: từng công trình đầu tư đều được xác định chủng loại, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm, nếu cung cấp hóa đơn mua bán không đúng sẽ bị xử lý.
K.Ngọc – N.Chinh