Theo dõi trên

Châu Ro ngày mới

22/08/2023, 05:46

Từ bên ngoài tuyến ĐT.766 đi vào đường liên thôn được nâng cấp rải nhựa không xa, chúng tôi đã bắt gặp cổng chào rộng rãi, đẹp đẽ ghi khẩu hiệu “Cán bộ, nhân dân thôn 4 quyết tâm đoàn kết xây dựng Nông thôn mới”. Thôn 4 là thôn thuần đồng bào dân tộc Châu Ro thuộc xã trung du miền núi đã đạt chuẩn xã Nông thôn mới Trà Tân, huyện Đức Linh.

Từng bước đổi thay

Con đường rải nhựa phẳng lỳ ấy tiếp tục dẫn vào bên trong qua khu dân cư, vườn tược xanh mát. Hai bên, nhiều căn nhà xây kiên cố, có cả những căn nhà mái Thái khang trang, đẹp đẽ thấp thoáng giữa vườn điều, cây ăn trái như chứng tỏ cuộc sống đồng bào Châu Ro ở đây đang dần khấm khá.

img_3760.jpg
Một góc đường làng thôn Châu Ro ở Trà Tân.

Ông Thổ Đệ thuộc bậc lão làng ở thôn Châu Ro (thôn 4) cho biết: “Tôi sinh năm 1955, hơn 30 năm tuổi Đảng, từng tham gia các công tác đoàn thể, chính quyền, chi bộ thôn, như: Bí thư Đoàn thanh niên, công an viên, thôn phó, thôn trưởng, Bí thư Chi bộ thôn (14 năm), nay là Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 4. Đảm nhiệm các công việc ở thôn lâu năm, tôi hiểu cơ bản đời sống kinh tế, xã hội đồng bào Châu Ro trước nay”. Nhấp ly trà ở phòng khách trong căn nhà xây còn mới mẻ của mình, ông Thổ Đệ hồi tưởng nói với chúng tôi: “Sau năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách dồn dân lập ấp, đã dồn một bộ phận người dân Châu Ro về lập ấp ở trung tâm Võ Đắt để dễ bề kiểm soát mọi mặt. Hồi ấy chỉ hơn 40 hộ với hơn 200 người sống tù túng ở đây cho đến ngày 30/4/1975. Đến những năm sau giải phóng, bà con Châu Ro đã được định cư ở thôn 4, xã Trà Tân bây giờ; Đảng bộ, chính quyền huyện Đức Linh, xã Trà Tân đã lần lượt thực hiện, triển khai các chủ trương, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc, như về cấp đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật canh tác chuyển đổi cây trồng phù hợp thổ nhưỡng với đất đỏ ba zan ở đây”.

Trước đây, bà con Châu Ro ở đây trồng điều, trồng lúa; nay những vườn điều già cỗi bà con chặt bỏ chuyển sang trồng cao su, hay điều cao sản; trồng lúa 2 vụ ở những khu vực chủ động nguồn nước tưới, đảm bảo gạo ăn quanh năm cho gia đình. Như gia đình ông Thổ Đệ trồng 3 ha điều, 3 ha cao su, canh tác 2 sào lúa. Những năm trước giá điều khá ổn định, cao su được giá, giúp ông dành dụm tích lũy được khoản kinh phí khá lớn, xây được căn nhà rộng rãi, khang trang, sắm sửa các đồ gia dụng cần thiết, phục vụ sinh hoạt cho những thành viên trong gia đình. Một đứa con ông lập gia đình ra ở riêng được gia đình hai bên cho 5 sào đất canh tác ruộng, rẫy; cô vợ làm công ty giày da ở huyện giáp ranh Xuân Lộc được hơn 6 triệu đồng/tháng; tổng nguồn thu đủ trang trải sinh hoạt.

Không chỉ con ông Thổ Đệ mà hiện có hơn 30 gia đình trẻ thôn Châu Ro ở Trà Tân kết hợp mô hình “2 trong 1”: chồng sản xuất nông nghiệp ở nhà, vợ học nghề ra đi làm cho doanh nghiệp ở Trà Tân, Đông Hà… huyện Đức Linh; hay sang làm công nhân các công ty may, giày da xuất khẩu ở huyện Xuân Lộc, Thống Nhất (Đồng Nai); tăng thu nhập cho nhu cầu sinh hoạt gia đình ngày càng cao. Thu nhập ở doanh nghiệp khá ổn định cũng bù cho những năm sản xuất nông nghiệp mất mùa, nông sản hạ giá, dịch bệnh Covid-19...

Trong những năm gần đây, còn khá nhiều gia đình trẻ trong thôn chuyển đổi sang chăn nuôi sạch từ trồng cỏ, tận dụng rơm rạ mùa gặt, nuôi heo đen, dê, bò thịt; tăng nguồn thu gia đình. Anh Võ Văn Hùng, Ban Thanh tra nhân dân thôn 4, Trà Tân cho hay: “Chúng tôi cũng cần thêm nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT huyện Đức Linh để phát triển một số dự án chăn nuôi, trồng trọt cho nhiều bạn trẻ trong thôn”.

Đi cùng với phát triển kinh tế hộ gia đình, kết cấu hạ tầng nông thôn ở đây được tỉnh, huyện đầu tư đồng bộ, tạo bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Điện, đường, trường, trạm được kết nối đến thôn, hay gần thôn tạo điều kiện cho con em Châu Ro học hành, khám chữa bệnh. Thôn thuần đồng bào dân tộc Châu Ro hiện có 337 hộ/1.354 khẩu đời sống sinh hoạt ổn định. Từ đầu năm nay, đã có 330 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, đạt 98%.

Đồng hành của Nhà nước

Ông Đỗ Đức Anh, Chủ tịch UBND xã Trà Tân, cho biết: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước hỗ trợ chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua vốn Chương trình 135, vay vốn, các mô hình phát triển kinh tế, chính sách trợ cấp xã hội, đời sống kinh tế của bà con đồng bào thôn Châu Ro được cải thiện. Cụ thể UBND xã triển khai thực hiện Chương trình 135, các chính sách ưu đãi đối với đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho bà con vay vốn phát triển sản xuất, đầu năm đến nay đã giải ngân cho 71 hộ với số tiền 1,32 tỷ đồng. Cùng đó, công tác giáo dục được chú trọng, đảm bảo nhu cầu học tập của con em người dân tộc thiểu số; nhiều trường hỗ trợ các em thông qua nhiều hình thức như cấp học bổng, nguồn quỹ khuyến học; các mạnh thường quân trong, ngoài địa phương tạo điều kiện cho các em hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được đến trường”.

img_2276.jpg
Anh Võ Văn Hùng, thanh niên Châu Ro đầu tư chăn nuôi dê.

Xã Trà Tân thường xuyên phối hợp tổ chức các đợt khám, cấp thuốc miễn phí, tiêm ngừa đầy đủ các loại vắc xin, tiêm ngừa dịch bệnh (Covid-19), thực hiện đầy đủ các chương trình y tế khác cho bà con. Ngoài ra, 6 tháng đầu năm nay, xã cũng đã phối hợp cấp phát 18 triệu đồng cho 34 lượt người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội (người già neo đơn, tàn tật, trên 80 tuổi, trẻ em khuyết tật). Bên cạnh, các tổ chức từ thiện, mạnh thường quân, các hội đoàn thể cấp trên phối hợp địa phương hỗ trợ bà con Châu Ro nhiều phần quà trong các dịp lễ, tết…

Với nỗ lực của người dân, sự hỗ trợ của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc, đời sống bà con thôn 4 Châu Ro đang dần khởi sắc. Người dân thôn 4 đã góp phần cùng xã Trà Tân đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; tạo tiền đề cho địa phương phát động xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024.

GHI CHÉP: THÁI KHOA


(0) Bình luận
Bài liên quan
Có một “vùng đất mới” Nam Hà
Chỉ hơn 1 năm sau khi bình thường mới, hàng loạt công trình xuất hiện, tập trung vào an sinh xã hội khiến vùng giáp ranh hoang vắng này trở thành vùng đất mới đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đó là cuộc sống mới có được từ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từ chuyển đổi nghề với thu nhập cao hơn và mức sống tốt hơn của người dân vùng nông nghiệp…
Nổi bật

Không lơ là, chủ quan trong mọi công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh năm 2024
BTO-Đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh năm 2024 Nguyễn Minh tại hội nghị triển khai một số nội dung chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trên địa bàn tỉnh (gọi kỳ thi) diễn ra vào sáng 21/5. Tham dự có các thành viên, tổ thư ký của Ban Chỉ đạo kỳ thi và Hiệu trưởng các Trường THPT trên địa bàn tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Châu Ro ngày mới