Tưởng nhớ tổ tiên. |
Trong nền nghệ thuật điêu khắc Chămpa hơn một ngàn năm trước với những pho tượng đá cổ phát hiện ở Quảng Bình, Quảng Trị, khu thánh địa Mỹ Sơn, Bình Định hay tượng Phật “Usnisa” ở Phan Thiết (thế kỷ VII - IX), cho đến tượng vua Po Klong Garai thế kỷ XIII. Nhiều người nghĩ đến thời điểm đó các nghệ sĩ Chămpa sẽ không còn sáng tạo trong điêu khắc đá nữa, vì thời kỳ lịch sử đầy biến động này, khi nhân tài vật lực khan hiếm do chiến tranh giữa các lân quốc kéo dài. Nhưng thực ra trên lĩnh vực nghệ thuật này vẫn còn tiếp nối một khoảng thời gian gần một thế kỷ nữa trước khi lụi tàn. Mà những sưu tập tượng đá trong các đền thờ ở xứ Panduranga đã chứng minh điều đó. Các sưu tập tượng đá đều có niên đại từ thế kỷ XVI và kết thúc vào nửa cuối thế kỷ XVII. Điểm nhấn của thời kỳ này là những pho tượng đá được điêu khắc, chạm trổ tuyệt đẹp đặt ở đền thờ vua Chăm Po Nit và ở đền thờ vua Chăm Po Klong Mơh Nai hay ở đền thờ Po Klong Khul kể trên. Đó là những pho tượng do những nghệ sĩ Chăm, những nhà điêu khắc thiên tài thời kỳ đó đã thể hiện một cách xuất sắc trình độ tư duy của mình trên những tác phẩm điêu khắc với những họa tiết hoa văn đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình. Thậm chí còn có những tượng lớn và đẹp hơn một số của thời kỳ trước khi vương quốc Chămpa đang thời hưng thịnh. Những năm đầu thế kỷ XX, H.Parmentier nhà khảo cổ học người Pháp đã đến đây và ông mô tả tượng hoàng hậu Chăm Po Bia Sơm trong đền thờ Po Klong Mơh Nai: Nữ hoàng có đôi mắt xếch ngược, ngực quá nở, vú xệ xuống gần chạm nhau, đầu mang vương miện nữ hoàng.
Nghệ thuật điêu khắc Chăm gắn liền với kiến trúc, nhiều tác phẩm điêu khắc phục vụ cho những công trình kiến trúc gắn với sinh hoạt tôn giáo. Trên những tác phẩm này, thường bắt gặp nét chủng tộc, y phục, trang sức Chăm hoặc những nét tả thực cũng như cách điệu thể hiện trong hình ảnh con người, trước hết là các nhà vua đáng kính. Đặc trưng lớn nhất trong những ngôi đền thờ là ngoài bức tượng vua đặt ở gian thờ trung tâm, còn có 1 tượng hoàng hậu người Chăm và 1 tượng hoàng hậu người Việt ở 3 triều vua Po Nit, Po Klong Mơh Nai và Po Klong Gahul là điều hiếm thấy trong lịch sử của văn hóa và nghệ thuật Chămpa. Những tác phẩm điêu khắc Chăm còn lưu giữ hiện nay trong các đền thờ là những tài sản vô giá trong công trình kiến trúc cổ, những gì cho chúng ta thấy ngày hôm nay là sự phong phú trong nghệ thuật của dân tộc Chăm nhiều thế kỷ trước.
Tượng vua Chăm Po Klong Mowh Nai (1622-1627). |
Sau thế kỷ XVII, khi những sưu tập tượng đá ở các đền thờ nói trên hoàn thiện thì gần như nghệ thuật điêu khắc Chăm không còn được sáng tạo nữa, có người cho là do không còn vua chúa nữa nên không được tạc tượng, vì chỉ có vua chúa mới được tạc tượng; cũng có nhiều ý kiến khác là do thất truyền kỹ thuật điêu khắc hay do khó khăn về kinh tế (kể cả không có nguồn vật liệu đá) phải đưa từ những nơi khác từ xa đến… Vì vậy, chúng ta thấy trên thực tế nhu cầu sử dụng đá vẫn còn trong các khu nghĩa địa của người Chăm, nhưng là đá ngoài tự nhiên không được chạm khắc.
Hơn 20 năm trước, khi nghiên cứu lấy tư liệu lập hồ sơ khoa học đền thờ Po Klong Mơh Nai và đền thờ Po Nit. Nhiều người già là trí thức trong dòng tộc hậu duệ những nhà vua trên cho biết, ngày xưa các nghệ sĩ được chọn sáng tác trên những mẫu người có thật, đó là các vị vua đang sống nhưng được hoàng tộc chọn làm mẫu, đồng thời đó là những vị vua có thật trong lịch sử vương quốc Chămpa ở vào giai đoạn cuối trước khi sát nhập vào văn hóa Đại Việt.
Thực tế về kiến trúc ở các đền thờ và tượng thờ là như vậy, nhưng từ nhiều năm qua và cả hiện nay, rất nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến xứ Panduranga xưa chỉ được ghé thăm nhóm đền tháp Po Sah Inư mà không được đến tham quan những ngôi đền thờ và chiêm ngưỡng các sưu tập tượng vua Chăm và hoàng tộc như đã khảo tả trên đây. Chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn khi du khách tiếp cận, nhưng không vì thế mà hàng chục năm qua, từ khi những di tích kiến trúc nghệ thuật này được xếp hạng cấp quốc gia đến nay vẫn rất hiếm khi du khách được đến những nơi này. Nếu được đến đây, du khách không chỉ thưởng ngoạn từ đền thờ mà qua các sưu tập tượng đá sẽ cho họ biết thêm về lịch sử và nghệ thuật Chămpa trong lịch sử phong kiến thế kỷ XVI - XVII. Vấn đề đặt ra từ lâu và hiện nay là khai thác giá trị nghệ thuật văn hóa - kiến trúc Chăm nói chung và những đặc trưng về kiến trúc đền thờ cùng sưu tập các tác phẩm điêu khắc sẽ giúp cho việc phát triển văn hóa truyền thống trong tương lai phù hợp với định hướng phát triển đa dạng về văn hóa.
Những bức tượng đá trong các đền thờ vua Chămpa thế kỷ XVI - XVII đã làm nổi tiếng về một nền nghệ thuật điêu khắc của vương quốc Chămpa trong tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học phương Tây trước đây, và ngày nay đó là những tác phẩm điêu khắc có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa nghệ thuật, đồng thời là những tài sản vô giá được lưu giữ trong các đền thờ với kiến trúc cổ ở xứ Panduranga, tiểu vương quốc nằm ở cực nam của vương quốc Chămpa xưa là Bình Thuận ngày nay. |
Nguyễn Xuân Lý