Theo dõi trên

Chiến sự Libya “chực chờ” bùng nổ: Quốc tế “vội vã” tìm cách hạ nhiệt

21/07/2020, 14:18

Chiến sự Libya đang “căng như dây đàn” khi 2 bên đối địch ở đây liên tục dồn quân lên tuyến đầu - thành phố Sirte, để chuẩn bị cho 1 trận chiến lớn.

Trong bối cảnh như vậy, Quốc hội Ai Cập hôm 20/7 lại có thêm bước đi làm tình hình “căng hơn”, khi “bật đèn xanh” cho Tổng thống nước này điều quân can thiệp trực tiếp vào Libya. Để ngăn chiến sự bùng nổ, quốc tế đang gấp rút tìm cách hạ nhiệt tình hình.

                
      
         Binh sĩ của một bên tham chiến ở Libya. Ảnh: al Jazeera.

Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi)hôm qua (20/7) chính thức được Quốc hội nước này trao quyền điều quân ra nước ngoài, để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, sau 1 cuộc họp kín của Quốc hội cùng ngày.

Điều này đồng nghĩa Tổng thống Ai Cập đã có đầy đủ “mọi thủ tục pháp lý” theo quy định của Hiến pháp, để can dự một cách chính thống vào tình hình Libya – nơi chính quyền đối lập miền Đông Libya (LNA) và các thủ lĩnh bộ lạc tại quốc gia láng giềng này cũng đã có lời mời Ai Cập can thiệp trước đó; nhằm ngăn đà tiến quân của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA), được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Động thái mới nhất của Ai Cập diễn ra trong bối cảnh quân đội Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) đang tiến về thành phố biển Sirte – nơi chính quyền miền Đông Libya đang kiểm soát.

Đại diện quân đội Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya, Đại tá Omar Bin Rashed cho biết: “Chúng tôi sẽ tiến hành giai đoạn thứ hai để giải phóng khu vực Sirte (Sirte) và Giu-phra (Jufra). Các lực lượng vũ trang của chúng tôi đang chuẩn bị cho giai đoạn này. Các binh sĩ đã sẵn sàng đợi lệnh chiến đấu và tin “tốt lành” sẽ đến trong những ngày tới”.

Tuy nhiên, đánh chiếm Sirte chính là “giọt nước làm tràn ly” mà giới chức Ai Cập từng nhiều lần lên tiếng quan ngại. Tổng thống Sisi đã cảnh báo, Ai Cập có quyền hợp pháp trong việc can thiệp vào tình hình Libya, đồng thời nhấn mạnh rằng Sirte và Al-Jufra là “ranh giới đỏ” đối với an ninh quốc gia của Ai Cập. Nhà lãnh đạo Ai Cập nhấn mạnh sẽ không “đứng nhìn” thành phố Sirte, do chính quyền miền Đông Libya kiểm soát, bị đánh chiếm.

“Ranh giới đỏ mà chúng tôi đã đưa ra chủ yếu là lời kêu gọi hòa bình và chấm dứt xung đột ở Libya. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không đứng yên trước bất kỳ động thái nào đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia, chiến lược ở biên giới phía tây của chúng tôi, đặc biệt là trong bối cảnh việc huy động quân sự đang gia tăng quanh thành phố Sirte”.

Dẫu vậy, một khi Ai Cập can dự trực tiếp, chiến sự Libya sẽ bùng nổ và nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Ai Cập – Thổ Nhĩ Kỳ là rõ ràng. Do đó, trong lúc Quốc hội Ai Cập họp kín, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ai Cập, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì lệnh ngừng bắn giữa các bên tại Libya. Hai bên cũng đã nhất trí ủng hộ các giải pháp để tình hình có thể hạ nhiệt.

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã có cuộc điện đàm tương tự với Tổng thống Pháp Em-ma-nu-en Ma-crông – người được cho là có chung lập trường với Ai Cập trong vấn đề Libya.

Cùng thời điểm ấy, hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ - 2 nước ủng hộ Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya, cũng có buổi thảo luận với Bộ trưởng Nội vụ Libya, để về những diễn biến chiến sự mới nhất.  

Chiến sự Libya đang chực chờ bùng nổ, với sự can thiệp từ bên ngoài vào Libya đang ở mức chưa từng có.

Đây là nhận định mới nhất của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres: “Thời gian đang không đứng về phía chúng ta tại Libya. Cuộc xung đột tại quốc gia này đã bước sang giai đoạn mới với sự can thiệp của nước ngoài đã đạt đến mức độ chưa từng thấy, bao gồm cả việc cung cấp các loại vũ khí tinh vi và số lượng lính đánh thuê tham gia chiến đấu.”

Cách đây vài ngày, lãnh đạo 3 nước  Đức, Pháp và Italy đã ra tuyên bố chung kêu gọi các nước “chấm dứt gia tăng can thiệp” vào Libya và tôn trọng lệnh cấm vận vũ khí do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt đối với quốc gia Bắc Phi này. Cả 3 quốc gia này sẵn sàng cân nhắc sử dụng các biện pháp trừng phạt nếu những hành động vi phạm lệnh cấm vận trên biển, trên mặt đất hay trên không với Libya tiếp diễn./.

Đình Nam/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiến sự Libya “chực chờ” bùng nổ: Quốc tế “vội vã” tìm cách hạ nhiệt