Ở La Gi, ngoài chợ Phước Hội, chợ trung tâm lớn nhất, họp từ sáng đến tối, kế đến có chợ Tân Hải cũng là chợ lớn ở khu vực phía bắc thị xã, chợ này thu hút khá đông khách hàng từ Tân Thành, Tân Thuận (Hàm Thuận Nam). Còn lại các chợ khác đều thuộc dạng chợ vừa, chợ nhỏ, chợ quê. Trong đó có hai chợ chỉ họp vào buổi chiều, nhưng người bán, kẻ mua thì không thua những phiên chợ sáng.
Chợ chiều đầu tiên của thị xã là chợ Đại Đồng. Từ Đại Đồng là lấy từ tên hiệu thuốc Bắc của một cơ sở cách mạng trước 1975. Căn nhà này nằm gần cuối đường Lê Lợi, mặt hướng ra phía biển Đông, chỗ ở của gia đình chị Lâm Thị Hồng Nhạn. Nơi đây ngày xưa chị Nhạn đã theo cha hoạt động cách mạng. Chị đã treo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam trước cửa nhà vào thời điểm lịch sử cuối năm 1972 và bị bắt đày đi Côn Đảo cho đến ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Thực ra cái chợ chiều Đại Đồng nó nằm cách xa phía sau hiệu thuốc Bắc chị Nhạn, và cũng chẳng có nhà chợ, nhà lồng gì. Chợ họp trên đường Trần Hưng Đạo và một số tuyến phố nhỏ dọc ngang như Hòa Bình, Ký Con, La Gi. Hàng hóa bày bán trên nền đường, mỗi người tự căng dù che bạt để tránh mưa nắng. Có lẽ vì cái tên Đại Đồng quá tiếng tăm ở phố biển này nên người dân quen miệng gắn luôn tên cho cái chợ chiều đường phố.
Nói là chợ đường phố, nhưng hàng hóa thì không thiếu thứ gì, từ áo quần, giày dép, bánh phở, thịt, tôm cá cho đến than củi cũng có một góc phố bày bán. Đi chợ chiều Đại Đồng, các bà, các chị tha hồ lựa chọn những thực phẩm tươi ngon, đặc biệt là hàng hải sản, cá , tôm, mực, ghẹ… lớn nhỏ loại nào cũng có. Nhiều người ở xa về La Gi rất thú vị với cảnh chợ chiều này. Chợ chiều Đại Đồng từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc của người dân phố biển.
Chợ thứ hai là chợ chiều Tân Thiện. Đây thực chất chỉ là chợ “chồm hổm”. Chợ họp vào buổi chiều trên vuông đất nhỏ của tư nhân cho thuê, cách ngã tư Tân Thiện vài trăm mét. Nói là chợ chồm hổm, nhưng sự tồn tại của chợ này cũng thuộc diện đáng nể, trên 25 năm. Còn nhớ năm 1989 nhà thơ Giang Lam, tác giả bài thơ “Nổi lửa lên em” cùng với nhạc sĩ Ca Lê Thuần về thăm Hàm Tân (nay là La Gi), hai ông có ghé lại chợ chiều Tân Thiện ăn bánh kẹp, cơm rượu, sau Giang Lam có chép tặng tôi bài thơ, trong đó có mấy câu “Ngã tư phiên họp chợ chiều/ Đông vui để khách nhớ nhiều Hàm Tân” và “Chén cơm rượu để say thêm nghĩa tình”. Gần 30 năm trôi qua, người bán cơm rượu, bánh kẹp đã già lắm rồi, nhưng miếng bánh kẹp bây giờ vẫn nóng hổi, chén cơm rượu vẫn thơm lừng hương nếp.
Chợ chiều Tân Thiện, cái chỗ đất ngày xưa ấy, không lớn lên, không rộng ra. Duy có điều, chợ mỗi chiều người bán người mua thêm tấp nập. Hàng tạp hóa, hàng nông sản, hải sản… không thiếu thứ gì. Năm, sáu giờ chiều mấy chị, mấy cô tan sở ghé chợ tha hồ lựa chọn. Ai bảo chợ chiều không có thịt tươi, cá tươi! Ở đây có hết, từ ốc, ghẹ, cá đồng, cá biển, rau xanh, đến mấy món “hiếm” như bánh gói, bánh tai vạc… đều có. Vài mươi phút dạo chợ mấy bà nội trợ đã có thể sắm đủ cho gia đình bữa ăn tối rất tươi, ngon. Tiện lợi như vậy nên chợ chiều Tân Thiện dù rất tạm bợ, vẫn luôn là sự lựa chọn của quý bà.
NGÔ VĂN TUẤN