Chợ La Gi cũ xuống cấp trầm trọng |
Dân chủ, minh bạch
Hình thành từ năm 1957 đến nay, chợ La Gi xuống cấp nghiêm trọng, không gian kinh doanh trong nhà lồng chợ quá tải. Trước tình hình đó, UBND thị xã La Gi triển khai lập thủ tục đầu tư chợ La Gi vào đầu năm 2015. Chợ La Gi là chợ hạng 2 với quy mô gồm có 3 khu A, B, C với tổng mức đầu tư 38,6 tỷ đồng, bao gồm cả chi phí chợ tạm. Xác định việc đầu tư xây dựng chợ mới La Gi là cần thiết theo thực tế yêu cầu và cũng xác định đặc trưng việc xây dựng chợ trước hết phải được sự đồng thuận chung của đại đa số tiểu thương và người dân. Vì thế, ngay từ thời điểm bắt đầu triển khai, thị xã đã chỉ đạo triển khai đầu tư xây dựng chợ La Gi với yêu cầu chuẩn bị kỹ hồ sơ, công khai phương án thiết kế, phương án huy động vốn để tiểu thương góp ý.
Về quy trình lập hồ sơ, thị xã tổ chức 8 cuộc họp để các phòng, ban, ngành, các đoàn thể thị xã thông qua phương án thiết kế chợ, phương án huy động vốn... Riêng lấy ý kiến của tiểu thương, thị xã tổ chức 7 lần, kể cả người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thị xã cũng đã tổ chức đối thoại với tiểu thương về việc đầu tư xây dựng mới chợ La Gi. Ngoài ra, thông qua các đợt vận động, phát phiếu đăng ký kinh doanh, các tổ vận động cũng đã tuyên truyền, giải thích thêm cho tiểu thương về chính sách, các quy định trong vấn đề xây dựng chợ đến từng hộ tiểu thương. Qua lấy ý kiến, đa số tiểu thương biểu thị sự đồng tình về chủ trương xây dựng mới chợ La Gi, đồng thời đã có ý kiến góp ý và được tiếp thu chỉnh sửa. Cụ thể, về phương án thiết kế chợ (điều chỉnh quy mô dự án từ khu B xây dựng 1 tầng trệt và 1 tầng lầu thành khu B chỉ xây dựng 1 tầng trệt, không xây tầng lầu). Về phương án huy động vốn, điều chỉnh thời gian thuê từ 15 năm tăng lên 20 năm như hiện nay. Do đó khẳng định dự án đầu tư xây dựng chợ La Gi đã được công khai minh bạch, dân chủ theo đúng quy định.
Cuối tháng 11 thi công chợ chính
Đến thời điểm này, đã hoàn thành xây xong chợ tạm khu A, đối với chợ tạm khu B đã cơ bản hoàn thành, hiện đang thực hiện một số điều chỉnh nhỏ theo góp ý của tiểu thương để phù hợp với sử dụng thực tế. Đối với chợ chính, đang tiến hành hoàn chỉnh các thủ tục theo quy định, dự kiến sẽ triển khai thi công chợ chính vào cuối tháng 11. Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua vẫn còn một số hộ tiểu thương chưa đồng thuận với quá trình thực hiện đầu tư xây dựng chợ và nhiều lần ký đơn tập thể gửi đến nhiều nơi.
Đại diện lãnh đạo thị xã La Gi cho biết: Qua quá trình tiếp xúc, đối thoại, UBND thị xã nhận thấy chỉ có khoảng 4 - 5 tiểu thương có ý kiến phản đối việc xây dựng chợ La Gi. Trong khi đó đa số tiểu thương đều biểu thị sự đồng thuận và có ý kiến góp ý mang tính xây dựng tốt đối với việc đầu tư xây dựng chợ. Ngoài ra, đa số cử tri thị xã đều mong muốn sớm xây dựng lại chợ La Gi để đảm bảo an toàn, mỹ quan, thuận lợi cho kinh doanh.
Với quyết tâm triển khai thực hiện việc đầu tư chợ theo đúng kế hoạch đề ra, đồng thời dự báo phải tiếp tục giải quyết khiếu nại của tiểu thương, thị xã La Gi sẽ tăng cường công tác vận động, tuyên truyền tiểu thương di dời vào chợ tạm để tiến hành bàn giao mặt bằng thi công chợ La Gi. Kiên quyết thực hiện di dời tiểu thương đang kinh doanh tại chợ La Gi và tiểu thương kinh doanh tại các trục đường quanh chợ La Gi, nhằm bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công tiến hành khởi công đúng thời gian đề ra.
KIM ANH