Chính sách cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp được khởi động qua Quyết định 63/2010, sau đó có sửa đổi qua Quyết định 65/2011. Tuy nhiên, danh mục quy định chủng loại máy, thiết bị được hưởng chính sách hỗ trợ hầu hết sản xuất ở miền Tây, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân ở Bình Thuận không thể mua, vì không phù hợp địa hình cũng như không tiện trong giá cả, sử dụng…Mãi đến cuối năm 2013, Quyết định 68/CP được ban hành, trong đó có sửa đổi, không khống chế mua máy móc, thiết bị phục vụ trong nông nghiệp ở đâu nữa, rồi Thông tư 02/2016 ban hành nên người dân mới bắt đầu vay được khoản vay có hỗ trợ lãi suất này. Thống kê của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Bình Thuận, cho thấy đến cuối tháng 10/2016, doanh số cho vay của chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đã được gần 22,2 tỷ đồng. Có 91 khách hàng đã vay để mua máy gặt đập, máy tuốt lúa liên hợp, máy cuộn rơm, bình điện thắp sáng thanh long…
Theo ông Trần Văn Hai, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Bình Thuận, hiện nay tổn thất trong sản xuất nông nghiệp rất lớn và việc giảm tổn thất, giảm chi phí, hạ giá thành, bảo đảm chất lượng để nâng tính cạnh tranh sản phẩm nông, thủy sản là xu hướng tất yếu hiện nay. Vì thế, chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất này sẽ ngày càng phát triển. Tùy theo tình hình thay đổi của lãi suất, chi nhánh sẽ áp dụng lãi suất ưu đãi nhất để đẩy mạnh chương trình cho vay trên, như hiện tại, lãi suất ngắn hạn là 7%/năm, trung - dài hạn từ 9 - 11%, tùy theo khách hàng thân thiết có sử dụng nhiều dịch vụ của đơn vị hay không. Nói chung, cánh cửa cho vay theo Quyết định 68/CP đã mở rộng…
Bích Nghị