Điểm mới về tuyển sinh đại học
Cuối tuần qua, tại chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” năm 2022 do Báo Người Lao động phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Bình Thuận tổ chức, TS. Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD-ĐT đã thông tin nhiều điểm mới về kỳ thi tốt nghiệp THPT và những lưu ý trong công tác xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2022. Theo TS. Phạm Như Nghệ, năm 2022 công tác tuyển sinh đại học về cơ bản được giữ ổn định như năm 2021 và những năm trước. Tuy nhiên, có một số điều chỉnh nhằm đảm bảo tính công bằng, khách quan, chính xác cho thí sinh và cho quá trình xét tuyển.
Cụ thể, thí sinh vẫn được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng nhằm tạo cơ hội để các em trúng tuyển vào trường đại học yêu thích, phù hợp với sở trường, kết quả học tập của mình. Nói về những điều chỉnh năm nay, TS. Phạm Như Nghệ lưu ý, thí sinh phải đăng ký xét tuyển hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến thông qua Cổng thông tin của Bộ GD-ĐT. So với năm 2021 và những năm trở về trước thí sinh đăng ký xét tuyển đại học cùng lúc với thời điểm đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Còn điểm mới năm nay, sau khi thí sinh thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT mới mở Cổng thông tin để thí sinh đăng ký xét tuyển đại học. Bộ GD-ĐT sẽ cho thí sinh thời gian khoảng 6 tuần để đăng ký xét tuyển đại học (từ khi kết thúc thi tốt nghiệp THPT đến khi có kết quả) và điều chỉnh nguyện vọng không giới hạn. Tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển đều phải đăng ký trong đợt 1, kể cả nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng học bạ và các phương thức khác để Bộ GD-ĐT sắp xếp nguyện vọng sao cho thí sinh được trúng tuyển nguyện vọng cao nhất trong số những nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển... Việc sử dụng phương thức xét tuyển, chỉ tiêu của các trường đại học đều phải công khai và minh bạch. Ngoài ra, dự kiến điểm ưu tiên khu vực chỉ dành cho học sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2022, thí sinh đã tốt nghiệp các năm trước nhưng dự thi để xét tuyển đại học sẽ không được hưởng ưu tiên.
Chọn ngành học nào phù hợp?
Tại chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” năm 2022, học sinh đến từ các trường THPT trên địa bàn TP. Phan Thiết đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến ngành học mà các em quan tâm. Đặc biệt tập trung vào những ngành nghề là thế mạnh của địa phương với mong muốn sau này học xong phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Em Thảo Nguyên - học sinh Trường THPT Phan Chu Trinh đặt câu hỏi, ở tỉnh Bình Thuận có rất nhiều dự án của Novaland. Vậy cơ hội học tập và việc làm tại Trường Cao đẳng Nova (Nova College) ra sao?. Giải đáp thắc mắc này, đại diện nhà trường cho biết, từ đây đến năm 2025, tập đoàn cần 3.000 nhân lực. Nhiệm vụ của Nova College là đào tạo nguồn nhân lực cho các công ty, nhà hàng, khách sạn thuộc tập đoàn. Hiện nay, tại TP. Phan Thiết có NovaWorld Phan Thiết và Nova Hills. Các em học nhóm ngành quản trị nhà hàng - khách sạn sau khi học tại trường sẽ có cơ hội quay về quê hương để làm việc tại các dự án trên. Một học sinh khác của Trường THPT Phan Chu Trinh chia sẻ: Gia đình không có điều kiện để cho em vào TP. Hồ Chí Minh học nên em mong muốn được học tại Trường ĐH Phan Thiết. Vậy ở Trường ĐH Phan Thiết có những chính sách, ngành học nào phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà? ThS. Lê Anh Linh - Phó Ban tuyển sinh, Trường ĐH Phan Thiết trả lời: Đây là trường đại học duy nhất của tỉnh Bình Thuận, trường đặt ra sứ mệnh là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nên trường có những ưu tiên và thuận lợi dành cho thí sinh, học sinh tỉnh nhà. Như cam kết không tăng học phí trong quá trình học, có ký túc xá cho sinh viên, nhiều chương trình tặng học bổng… Cùng với đó, chất lượng đào tạo được chú trọng. Cơ hội việc làm cao, 96,2% sinh viên ra trường có việc làm ngay. Trong tương lai tỉnh Bình Thuận phát triển mạnh, với định hướng là tỉnh có trung tâm thể thao du lịch biển, có nhiều dự án lớn như sân bay Phan Thiết, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết… Như thế, nhu cầu về nguồn nhân lực cao tại tỉnh rất lớn, rất cần nhiều việc làm, nhất là chương trình đào tạo đại học.
Quan tâm đến ngành logistics, một học sinh của Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo hỏi nhu cầu nhân lực trong tương lai của ngành này và cơ hội việc làm ra sao?. Trả lời câu hỏi này, TS. Nguyễn Trung Nhân - Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TP. HCM khẳng định: Logistics là ngành được quan tâm trong 2 năm gần đây vì được nhiều học sinh đăng ký xét tuyển. Có một số trường mở thành ngành, chuyên ngành trong quản trị kinh doanh hoặc kinh doanh quốc tế. Đây là ngành kết hợp giữa bài toán kinh doanh và kỹ thuật. Bình Thuận là tỉnh rất có tiềm năng về nhóm ngành này do có bờ biển dài, đường bộ, sắp tới có thể có sân bay. Bình Thuận định hướng phát triển kinh tế với ngành mũi nhọn là phát triển công nghiệp, riêng các ngành về năng lượng thì Bình Thuận sẽ là thủ phủ năng lượng tái tạo của khu vực Đông Nam Á. Do vậy, ngành này rất "khát" nhân lực, sinh viên mới ra trường được chào mời với mức lương 20 - 25 triệu đồng nhưng doanh nghiệp vẫn tuyển thiếu…
Ngoài ra, nhiều thí sinh quan tâm đến cách xét tuyển, chính sách và cơ hội việc làm của các ngành như quản trị kinh doanh, ngôn ngữ Anh, công nghệ ô tô, kế toán… Những thắc mắc của các em đã được Ban tư vấn trả lời thấu đáo, giúp các em có những thông tin cần thiết để lựa chọn đúng ngành nghề phù hợp để các em tìm hướng đi đúng đắn cho tương lai.