Theo dõi trên

Chủ động phòng chống bệnh tay, chân, miệng

26/10/2020, 09:15

BT- “Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, tiếp xúc với phân, nước bọt; rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà; lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2%. Đồng thời cách ly trẻ bệnh tại nhà; không đến nhà trẻ, trường học trong tuần đầu tiên của bệnh”. Đây là những khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tới người dân và các trường học, khi bệnh tay, chân, miệng đang bùng phát tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam.

Bệnh tay, chân, miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.

So với các tỉnh và cùng kỳ năm ngoái, 9 tháng năm 2020, số ca nhiễm bệnh trong tỉnh giảm, chỉ ghi nhận 312 ca (năm 2019 có 438 ca). Tuy nhiên theo bác sĩ Nguyễn Thị Thọ - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Bệnh tay, chân, miệng là một trong những bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ và hiện chưa có vắc xin, nên việc phòng chống lây nhiễm quan trọng nhất tại cộng đồng.

Thời điểm hiện nay, khi học sinh bước vào năm học mới, cùng với điều kiện thời tiết thuận lợi, sẽ khiến bệnh dễ lây lan và phát triển. Bởi thế cứ cuối tuần, giáo viên Trường mẫu giáo Hưng Long (TP. Phan Thiết) lại tổ chức khử khuẩn đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Cô Võ Thị Tuyết Hồng - Phó Hiệu trưởng trường cho biết: Ngoài điểm trường chính trên đường Võ Thị Sáu, trường có thêm 1 cơ sở, may mắn là điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo nên các giáo viên khá thuận lợi trong việc vệ sinh trường, lớp hàng ngày phòng bệnh tay, chân miệng. Nhà trường cũng đã tổ chức họp phụ huynh, dán thông báo tình hình dịch bệnh và hướng dẫn cách phòng chống giúp công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường chặt chẽ hơn.

Hiện sĩ số mỗi lớp trong các trường mẫu giáo, tiểu học đều khá đông, nên nếu xuất hiện một trẻ mắc bệnh, nguy cơ lây lan rất cao. Để phòng chống hiệu quả, giáo viên cần chú ý hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách, quan tâm theo dõi các em hàng ngày. 

Ngành y tế đã hướng dẫn các các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nâng cao nhận thức và chủ động phòng chống dịch bệnh tay, chân, miệng; tăng cường vệ sinh môi trường, sử dụng hóa chất khử khuẩn vệ sinh sạch sẽ tại trường học, tại nhà ở và môi trường xung quanh.

Thục Anh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ động phòng chống bệnh tay, chân, miệng