Nguy cơ dịch bệnh
Từ sau Tết Nguyên đán 2017, bệnh dịch tả vịt xảy ra tại huyện Đức Linh làm chết hơn 3.000 con của hộ ông Trần Hiền (khu phố 2, thị trấn Đức Tài) như một lời cảnh báo về sự chủ quan, không tiêm đầy đủ các loại vắc xin cho GSGC. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Chi cục Thú y đã chỉ đạo Trạm Thú y Đức Linh khuyến cáo hộ ông Trần Hiền không di chuyển đàn vịt ra khỏi nơi đang xảy ra bệnh và thu gom số vịt chết để tiến hành tiêu hủy theo quy định. Bên cạnh đó, tổ chức vệ sinh tiêu độc khu vực chăn nuôi và các khu vực lân cận, khuyến cáo các hộ chăn nuôi vịt trên địa bàn huyện tiến hành tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm H5N1, dịch tả vịt và tụ huyết trùng. Nhờ vậy, đến nay tình hình dịch tả trên đàn vịt tại huyện Đức Linh đã được ngăn chặn.
Riêng tại huyện Tuy Phong, thời gian qua tình hình thời tiết diễn biến phức tạp. Những tháng cuối năm 2016, trên địa bàn huyện xuất hiện bệnh lở mồm long móng bò ở một số địa phương. Ngoài ra, với sự xuất hiện của nhiều chủng virus khác nhau trên động vật; các hoạt động buôn bán, vận chuyển, kinh doanh GSGC, sản phẩm GSGC trái phép vẫn diễn ra hết sức phức tạp, dẫn đến nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn GSGC rất cao.
Xem là nhiệm vụ trọng tâm
Theo ông Nguyễn Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, các biện pháp thực hiện trong kế hoạch phòng chống dịch bệnh GSGC trên địa bàn huyện trong năm 2017 là khi chưa có dịch, cần rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh GSGC các cấp (huyện, xã) để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch từ huyện đến cơ sở. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh GSGC xã, thị trấn xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch cụ thể tại địa phương để sẵn sàng đối phó với mọi tình huống khi có dịch xảy ra. Vận động các cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho đàn vật nuôi... Bên cạnh đó, Trạm Thú y huyện phối hợp chính quyền cấp xã và thú y cơ sở thường xuyên thực hiện công tác giám sát dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các ổ dịch để xử lý kịp thời, không để dịch lây lan ra diện rộng. Giám sát chặt chẽ các cơ sở chăn nuôi của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện; kiểm tra các cơ sở chăn nuôi xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định. Cùng với đó triển khai công tác tiêu độc, khử trùng định kỳ, đột xuất để hạn chế sự lưu hành của mầm bệnh. Thực hiện công tác kiểm dịch động vật vận chuyển và kiểm soát giết mổ động vật. Khi dịch xảy ra cần kiểm tra, xác minh tình hình dịch bệnh, triển khai các biện pháp chống dịch theo quy định của pháp luật về thú y…
Được biết, hiện nay một số tỉnh, thành trong cả nước đã và đang rải rác có dịch cúm gia cầm. Riêng Bình Thuận, đến thời điểm này chưa xảy ra dịch cúm gia cầm nhưng vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ. Đáng lo ngại hơn, tại Trung Quốc hiện đang xuất hiện dịch cúm A (H7N9), có thể xâm nhập virus cúm A (H7N9) từ vùng có dịch vào nước ta rất lớn. Ông Châu Ngọc Tấn - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho hay, Bình Thuận luôn trong tinh thần triển khai phòng chống dịch cúm gia cầm A (H7N9). Đặc biệt, không chỉ riêng H7N9 mà còn những bệnh cúm khác. Ông Tấn khuyến cáo người chăn nuôi cần thực hiện chăn nuôi an toàn, đặc biệt đối với chăn nuôi gia cầm. Không chăn, thả gia cầm ở những nơi không an toàn về dịch bệnh. Đặc biệt, những nơi có nguồn nước ô nhiễm hoặc những vùng lưu hành của mầm bệnh. Người chăn nuôi phải chú ý đến khâu tiêm phòng, nhất là tiêm phòng cúm và một số loại vắc xin như vắc xin dịch tả vịt…
KiỀu HẰng