Cùng với nỗi lo dịch cúm gia cầm trong nước, nguy cơ phát sinh và lây lan dịch cúm gia cầm từ ngoài vào là rất cao. Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, một số chủng virus gia cầm chưa có ở Việt Nam như cúm A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8 có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển buôn bán tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu. Trong đó đặc biệt đáng lo ngại là dịch cúm gia cầm A/H7N9 tại Trung Quốc có chiều hướng gia tăng mạnh cả về quy mô, số ca bệnh và tốc độ lây lan. Từ đầu năm đến nay Trung Quốc ghi nhận 460 bệnh nhân, con số cao nhất từ trước đến nay. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo sự thay đổi của chủng virus này với độc lực cao hơn trên gia cầm. Chỉ trong tháng 1/2017 tại Trung Quốc đã có 79 người chết do H7N9, gấp 4 lần so cùng kỳ năm ngoái và có khả năng bùng phát thành đợt dịch tồi tệ nhất lịch sử Trung Quốc. Riêng tuần từ 15/2 đến 22/2 có đến 56 ca mắc mới tập trung ở tỉnh Hồ Bắc, Giang Tây, đặc biệt là tỉnh Vân Nam và Quảng Tây giáp với biên giới Việt Nam.
Trước diễn biến tình hình dịch cúm gia cầm độc lực cao đang diễn biến phức tạp trên thế giới, có khả năng xâm nhập vào nước ta và lây truyền sang người, Thủ tướng Chính phủ và tiếp theo các bộ, ngành chức năng như Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công thương đã có văn bản chỉ đạo tăng cường phòng, chống dịch cúm gia cầm. Tại Bình Thuận tuy chưa phát hiện cúm gia cầm nhưng trước đây đã có một số ổ dịch cũ, đồng thời với số lượng gia cầm lớn (trên 3,17 triệu con) được nuôi trong các trang trại, hộ gia đình, nhất là phát triển đàn vịt chạy đồng với số lượng lớn rất dễ phát sinh và lây lan dịch cúm gia cầm.
Để việc phòng chống dịch cúm gia cầm hiệu quả, ngành nông nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan như y tế, công thương và UBND các huyện, thị, thành phố chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm như thường xuyên tổ chức các đợt tiêu độc, khử trùng tại các chợ gia cầm sống, đặc biệt là các chợ đầu mối, các trang trại chăn nuôi gia cầm; tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành virus cúm trên các đàn gia cầm, phát hiện sớm, xử lý triệt để khi có dịch xảy ra; tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh gia cầm nhập lậu, không để xảy ra hiện tượng buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường; tổ chức điều trị kịp thời khi phát hiện có bệnh nhân mắc cúm, nhất là cúm A/H7N9, A/H5N1…
Đối với người chăn nuôi cần thực hiện các biện pháp tiêm phòng cho đàn gia cầm; không chăn thả gia cầm ở những nơi không an toàn về dịch bệnh, nhất là những nơi có nguồn nước ô nhiễm, những khu vực lưu hành của mầm bệnh, hạn chế thả vịt chạy đồng. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết cần phải báo ngay cho chính quyền và cơ quan thú y địa phương đến lấy mẫu, khoanh vùng; nghiêm cấm việc “bán chạy”, vứt bỏ gia cầm ốm, chết bừa bãi. Đối với người dân để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của virus cúm sang người cần thực hiện các khuyến cáo: Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn; khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Thế Nam