Theo dõi trên

Chủ động phòng ngừa cúm A/H1N1

15/06/2018, 08:48

BT- Cúm A/H1N1 từng gây đại dịch tại Việt Nam vào năm 2009 khiến hơn 10.000 người mắc và 22 người tử vong. Mới đây vào tuần đầu tháng 6/2018, tại Bệnh viện Từ Dũ (TP. HCM) đã  phát hiện 16 người dương tính với cúm A/H1N1, 80 người khác bị cách ly do tiếp xúc với bệnh nhân cúm A/H1N1. Mới đây vào sáng ngày 10/6 một bệnh nhi tử vong tại Bệnh viện đa khoa Bình Thuận nghi do cúm. Cúm A/H1N1 dễ lây lan và có thể gây tử vong ở những bệnh nhân sức đề kháng yếu, có bệnh mãn tính, người già, phụ nữ mang thai… Mọi người cần biết về dịch bệnh này để có biện pháp dự phòng và điều trị hiệu quả.

Chủ động phòng ngừa cúm A /H1N1. Ảnh minh họa

Đường lây nhiễm

Cúm A/H1N1 còn được gọi là cúm lợn, cúm heo, là một trong các bệnh cúm mùa hiện nay. Các chuyên gia khẳng định cúm A/H1N1 có thể lây từ lợn sang người. Con đường lây nhiễm chủ yếu qua đường hô hấp và qua việc tiếp xúc với vật dụng nhiễm nước dịch của lợn. Người chăn nuôi, bác sĩ thú y là những đối tượng dễ mắc bệnh hơn cả. Ngoài việc lây từ lợn sang người, phổ biến hơn là cúm lây từ người sang người. Giống như cách lây lan của cúm thường qua không khí có chứa các hạt nước nhỏ li ti khi người bệnh ho, hắt hơi, cười, nói chuyện; lây do tiếp xúc, chạm tay vào bề mặt vật dụng bị nhiễm virus; do dùng chung đồ dùng, ly uống nước hoặc bàn chải đánh răng với người bệnh…

Tỷ lệ mắc cúm A/H1N1 thường cao, dễ lây lan và có thể mau chóng gây đại dịch, tuy nhiên tỷ lệ tử vong thấp, thường khoảng 1-2%. Những người mắc cúm A/H1N1 có thể lây lan bệnh 1 ngày trước khi khởi bệnh và kéo dài 7 ngày sau khi khởi bệnh.

 Triệu chứng

Cũng như các chủng cúm mùa khác, khi nhiễm cúm A/H1N1 người bệnh thường có các triệu chứng như: Sốt (thường trên 380C), ớn lạnh; đau viêm họng; nhức đầu;  đau mình và nhức cơ; ho khan, sổ mũi; mệt mỏi và suy nhược; tiêu chảy và nôn ói. Một số trường hợp nặng có thể bị suy hô hấp và dẫn đến tử vong. Bệnh cúm A/H1N1 có triệu chứng giống với cúm thông thường, do vậy chỉ có thể chẩn đoán chính xác bằng lấy dịch mũi họng để xét nghiệm. Virus cúm A/H1N1 có thể tồn tại khá lâu ngoài môi trường, người dân cần tuân thủ hướng dẫn chống dịch của cơ quan chức năng.

 Dự phòng và điều trị

Người mắc cúm A/H1N1 phải được cách ly với những người lành để ngăn ngừa khả năng lây nhiễm. Cơ sở y tế sẽ tiến hành xét nghiệm và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Người mắc bệnh mức nhẹ chỉ cần dùng thuốc kết hợp với nghỉ ngơi, ăn uống. Những trường hợp nặng hơn phải kết hợp chữa các triệu chứng đi kèm.

Tuy không nguy hiểm như nhiễm cúm A/H5N1 và cúm A/H7N9, những người nhiễm cúm A/H1N1 hay virus cúm mùa khác cũng có thể gây bội nhiễm, viêm phổi nặng, thậm chí có thể suy đa tạng, tử vong ở một số người có bệnh mạn tính như HIV/AIDS, hen suyễn, bệnh tim, phổi, tiểu đường… Vì vậy những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly và kịp thời đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan. Việc nhận biết và phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh có thể giúp điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.

Để phòng, chống cúm A/H1N1, ngành y tế khuyến cáo: Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi, hàng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt. Tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm. Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; mở cửa thoáng mát phòng ngủ, lớp học, phòng làm việc. Ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm. Cách tốt nhất để phòng tránh cúm là tiêm chủng ngừa cúm; gia đình nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi, tiêm nhắc lại để chủ động phòng tránh bệnh dịch.

B.S



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ động phòng ngừa cúm A/H1N1