Theo dõi trên

Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả

29/05/2018, 08:46

BT- Những năm gần đây, thiên tai diễn biến ngày càng bất thường. Riêng năm 2017 vừa qua có thể thấy thiên tai xảy ra liên tiếp ở nhiều địa phương trên cả nước; mưa lớn xảy ra trên diện rộng, lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng tại các tỉnh miền núi; các cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Năm 2017 là năm có nhiều cơn bão và áp thấp (16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới) gấp 2 lần trung bình nhiều năm. Trong đó bão số 10 đổ bộ vào Hà Tĩnh - Quảng Bình, bão số 12 đổ bộ vào Khánh Hòa - Phú Yên gây nhiều thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung.

 Trong năm qua, Bình Thuận là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Thể hiện rõ nhất là tình hình sạt lở do sóng lớn, triều cường gây ra tại các địa bàn ven biển Tuy Phong, Phan Thiết, La Gi; lốc xoáy, mưa lũ gây ngập lụt nặng nề  ở Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, La Gi, Tuy Phong, Đức Linh. Hậu quả làm 6 người chết, 2 người bị thương, 280 căn nhà bị hư hỏng… thiệt hại hơn 99,7 tỷ đồng.

Nhận định xu thế mùa mưa, bão năm 2018 là tình hình thời tiết, mưa bão tiếp tục diễn ra phức tạp, khó lường; bão mạnh, lũ ngập với cường suất cao ảnh hưởng nặng nề hơn, có khoảng 12 - 13 cơn bão hoạt động trên biển Đông và hơn 1/2 trong số đó ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Riêng khu vực Bình Thuận khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ 2 - 3 cơn bão. Mưa lũ có khả năng xảy ra nhiều; đỉnh lũ đạt và vược mức báo động cấp III; các trận mưa lớn và lũ sẽ xảy ra nhiều hơn.

Để chủ động phòng tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai, hạn chế thấp nhất hậu quả xảy ra, các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn để thực hiện các chương trình, đề án đã được phê duyệt như: Củng cố, nâng cấp kè biển, bảo đảm an toàn hồ chứa; xây dựng khu neo đậu tàu thuyền, di dời dân cư vùng thiên tai; xây dựng hệ thống trực canh cảnh báo sóng thần, hệ thống giám sát thông tin hồ chứa… Kiểm tra, rà soát các vùng trọng điểm xung yếu, các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, thường xảy ra sạt lở bờ sông, bờ biển để chủ động xử lý, đối phó kịp thời. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư và kinh phí dự phòng của địa phương theo phương châm “4 tại chỗ” để phòng ngừa, ứng phó, cứu hộ, cứu nạn đạt hiệu quả cao nhất; dự trữ lương thực, thuốc men, nhu yếu phấm đến từng thôn, xã ở những vùng dễ bị chia cắt khi có bão lũ xảy ra.

Là một trong những ngư trường chính của cả nước, Bình Thuận có gần 5 vạn lao động và trên 8 ngàn tàu thuyền đánh bắt trên biển luôn phải đối mặt với thiên tai trong mùa mưa bão. Do vậy các địa phương vùng biển phối hợp với Bộ đội Biên phòng rà soát, kiểm tra quản lý tàu thuyền đánh bắt xa bờ, nhất là khi có bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh, sóng lớn trên biển để kêu gọi vào bờ hoặc hướng dẫn di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, tránh trú an toàn. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, lực lượng, trang thiết bị để làm tốt công tác cứu nạn, cứu hộ khi gặp sự cố, thiên tai xảy ra trên biển, các bến neo đậu tàu thuyền. Chú ý duy trì, khuyến khích hoạt động của các “tổ đoàn kết”, các nghiệp đoàn nghề cá để hỗ trợ lẫn nhau khi có sự cố.

 Nâng cao chất lượng công tác dự báo, tăng cường tuyên truyền cảnh báo thiên tai, bảo đảm thông tin chỉ đạo của các cấp chính quyền đến từng thôn, người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Kiến thức về phòng chống thiên tai phải được mọi người thấu hiểu, từ đó nâng cao nhận thức cộng đồng, nếu mỗi người dân biết cách phòng tránh và có ý thức tốt về phòng tránh thiên tai, tự bảo vệ mình thì sẽ tránh được thiệt hại do thiên tai gây ra.

 Để hướng đến một xã hội an toàn trước thiên tai, góp phần phát triển đất nước bền vững, chúng ta cần tổ chức thực hiện tốt yêu cầu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong thư gửi đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước nhân Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai của Việt Nam (22/5/2018): “Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ, thực hiện tốt nguyên tắc “Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả”, theo phương châm bốn tại chỗ, nâng cao năng lực chủ động ứng phó của người dân, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra”.

THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Hội nghị Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải báo chí quốc gia
BTO-Sáng 5/11, tại thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Phú Yên tổ chức Hội nghị “Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải báo chí quốc gia và tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững khu vực miền Trung – Tây Nguyên”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả