Trồng thanh long ở Hàm Thuận Nam. |
Số liệu mới nhất từ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, tính từ ngày 16/2 đến ngày 23/2, toàn tỉnh có 563 ha bị nhiễm bệnh đốm nâu, trong đó nhiễm nhẹ 557 ha (tỷ lệ 5-10%), nhiễm trung bình 6 ha (tỷ lệ bệnh 10-20%) không có diện tích nhiễm nặng, giảm 963 ha so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích nhiễm bệnh chủ yếu ở huyện Hàm Thuận Bắc 356 ha, Hàm Thuận Nam 72 ha nhiễm nhẹ, Bắc Bình 115 ha nhiễm nhẹ. Bệnh thối cành, thối trái non diện tích nhiễm 1.428 ha, tăng 308 ha so cùng tuần trước chủ yếu ở Hàm Thuận Bắc, thị xã La Gi. Bệnh vàng cành, cháy cành diện tích nhiễm 3.137 ha, phân bố toàn vùng, tăng 101 ha so với tuần trước. Ngoài ra, các đối tượng gây hại khác phân bố rải rác trên toàn vùng trồng thanh long như thán thư, bọ trì, thối rễ, teo tóp cành, rệp sáp, nám cành. Để chủ động phòng chống bệnh hại trên cây trồng mùa khô, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đề nghị các Trạm Bảo vệ thực vật theo dõi sát diễn biến bệnh trên vườn thanh long; tuyên truyền phổ biến quy trình kỹ thuật phòng chống bệnh đốm nâu hại thanh long của Cục Bảo vệ thực vật cho bà con. Bên cạnh đó, người dân cần vệ sinh vườn thanh long sạch sẽ thông thoáng, thu gom cành, quả bệnh ủ với chế phẩm vi sinh vật BIO – ADB để diệt nấm bệnh hại, không để nguồn bệnh tồn tại trên vườn. Với những vườn đang bị vàng cành cần hạn chế bón đạm, kali, magie… để tăng sức đề kháng cho cây và phun thuốc trừ bệnh kịp thời, ngăn chặn bệnh thối cành gây hại, lây lan trên diện rộng.
Đối với cây lúa, theo thống kê Phòng nông nghiệp hiện nay diện tích lúa đông xuân gieo trồng toàn tỉnh khoảng 20.378 ha, lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh, trổ đòng, một số diện tích chín thu hoạch. Diện tích rầy nâu hại, bệnh đạo ôn gây hại lúa giai đoạn đẻ nhánh – đòng trổ giảm nhẹ với diện tích hơn 1.200 ha. Ngoài ra, các loại sâu cuốn lá, sâu đục thân, khô vằn… gây hại rải rác không đáng kể. Để giúp bà con phòng bệnh hại lúa đông xuân hiệu quả, các Trạm Bảo vệ thực vật theo dõi sát diễn biến rầy nâu trên đồng ruộng, tình hình rầy vào đèn, nếu mật số rầy nâu >3 con/tép thì tiến hành tổ chức phòng trừ kịp thời bằng các loại thuốc trừ rầy và phải tuân thủ theo nguyên tác “4 đúng”, không để cháy rầy cục bộ. Đối với bệnh đạo ôn lá, cháy bìa lá cần phải phát hiện sớm. Khi bệnh chớm xuất hiện ngừng bón đạm, không phun các loại phân bón lá và kích thích sinh trưởng, cần sử dụng thuốc đặc trị để phòng trừ. Trạm Bảo vệ thực vật Đức Linh theo dõi sát diện tích nhiễm muỗi hành và hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ hiệu quả.
THANH Duyên