Theo dõi trên

“Chủ động tránh thai - vững vàng tương lai!”

30/09/2021, 13:59

BT- Đây là thông điệp của hội thảo trực tuyến nhằm hưởng ứng Ngày Tránh thai thế giới 26/9 vừa được Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế tổ chức. Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức cho cộng đồng về những hệ lụy của việc mang thai ngoài ý muốn, việc phá thai không an toàn, cũng như những lợi ích của việc chủ động tránh thai…

Người dân được chăm sóc sức khỏe sinh sản liền mạch và hiệu quả.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15- 49) vẫn tiếp tục gia tăng. Nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai tiếp tục tăng. Hệ thống y tế và dân số tại Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều cải thiện đáng kể trong cung cấp dịch vụ tránh thai cho người dân. Tại Bình Thuận, những năm qua cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế nói chung trong đó có cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ của tỉnh không ngừng được đầu tư, hiện đại hóa. Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố đều có khoa sản và phòng kỹ thuật thực hiện dịch vụ KHHGĐ. Đến thời điểm này, tất cả 124 trạm y tế xã, phường, thị trấn đều có y sĩ sản nhi và có phòng sanh, phòng thực hiện dịch vụ KHHGĐ được trang bị các trang thiết bị cần thiết thực hiện dịch vụ.

Mặt khác, xác định đảm bảo hậu cần phương tiện tránh thai là chiến lược quan trọng ngang với chiến lược quốc gia về an ninh lương thực. Chính vì vậy, để đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của nhân dân, Phòng Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (Sở Y tế) thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động cung cấp hậu cần phương tiện tránh thai. Các phương tiện tránh thai miễn phí (vòng tránh thai, thuốc tiêm, thuốc uống) được cung cấp đầy đủ cho đối tượng sử dụng theo quy định. Riêng bao cao su tránh thai được ngân sách tỉnh bố trí mua cấp miễn phí cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các trường hợp khác được tuyên truyền, vận động tự chi trả thông qua hệ thống tiếp thị xã hội, xã hội hóa. Biện pháp tránh thai lâm sàng như triệt sản, đặt vòng, thuốc tiêm, thuốc cấy tránh thai được thực hiện tại các đơn vị y tế. Riêng các biện pháp tránh thai phi lâm sàng trong hệ thống dân số như thuốc uống, bao cao su tránh thai chủ yếu do cộng tác viên DS-KHHGĐ cung cấp. 

Nhấn mạnh tại hội thảo, TS. Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết thời gian tới, việc thực hiện các mục tiêu về KHHGĐ vẫn tiếp tục là một nội dung quan trọng của công tác dân số. Đặc biệt là chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ, đảm bảo đáp ứng đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai. Đồng thời, xã hội hóa dịch vụ và các phương tiện tránh thai, đảm bảo tiếp cận dịch vụ thuận tiện, dễ dàng, giá cả phù hợp đối với các nhóm dân cư khác nhau…

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động đến hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ của người dân đang bị gián đoạn nghiêm trọng. Ngay lập tức, ngành y tế, dân số đã kịp thời ban hành và triển khai thực hiện các biện pháp phù hợp góp phần khắc phục các khó khăn nảy sinh như: huy động các cơ sở y tế công lập và tư nhân cũng tham gia cung cấp dịch vụ, các biện pháp tránh thai. Chuyển đổi các hình thức truyền thông trực tiếp sang sử dụng các kênh truyền thông kỹ thuật số. Qua đó, để đảm bảo đưa công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ đến với người dân một cách liền mạch và hiệu quả.

KIM ANH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Chủ động tránh thai - vững vàng tương lai!”