Khai quật một số mộ cổ trong nghĩa trang. |
Lần tìm lịch sử khu mộ
Trước lúc khảo sát, khai quật một số ngôi mộ, chúng tôi đã tìm hiểu qua các nguồn tài liệu khác nhau xung quanh khu mộ cổ. Có một số câu chuyện truyền miệng đáng chú ý. Trong đó, có câu chuyện được ông Nguyễn Duy Tỳ (nguyên chuyên viên khảo cổ học, Viện Khoa học xã hội tại TP. Hồ Chí Minh), viết trong một báo cáo kết quả khảo sát, phát quật trong diện tích cho phép gửi UBND tỉnh, cho biết: “Các cụ kể lại ngày trước, có một đoàn ghe buồm chở những người chết trận đi ngang qua biển Phan Thiết. Rồi không biết do nguyên nhân nào, khi đến Phan Thiết, đoàn thuyền này không đi được nữa. Suốt mấy ngày liền, họ tập trung sức để cố chèo thuyền, nhưng đoàn thuyền vẫn không đi. Lúc đó, họ nghĩ rằng, có lẽ đất Phan Thiết hiền hòa, nên vong linh người quá cố muốn được an nghỉ nơi đây. Thế là họ xin phép quan sở tại cho an táng những người chết trận tại Phan Thiết”. Bên cạnh đó, nhiều người cao tuổi, sinh trưởng tại địa phương, nay là khu phố 4, phương Xuân An cũng cho rằng khu mộ cổ này là của nghĩa quân Tây Sơn đánh nhau với quân Nguyễn Ánh ở các tỉnh phía Nam (từ Đồng Nai đến Gia Định những năm 1776 - 1789). Những người này quê ở miền Trung nên không thể đưa xác về quê được. Nếu đúng như vậy tính đến nay thì khu mộ này có niên đại trên 220 năm.
Khảo sát và phát quật
Khoảng năm 2000, xóm Cầu Sắt, khu phố 4, phường Xuân An, nằm trong khu vực giải tỏa theo dự án xây dựng khu tái định cư hồ Điều Hòa và mở rộng đường Tôn Đức Thắng. Chúng tôi được phân công khảo sát các phần mộ vô danh nằm trong dự án để tham mưu tỉnh dời các phần mộ đi.
Theo nhiều người dân ở đây cho biết, khu mộ có khoảng 200 nấm mộ. Nhưng sau khi phát quang để khảo sát cho thấy: Nếu xem những ngôi mộ có núm đất bên trên để biểu hiện của ngôi mộ, thì có 267 núm mộ còn trông thấy được, còn những ngôi mộ như đã nói ở trên, không còn núm mộ, như những ngôi mộ nằm bên dưới các con đường đi, hoặc những ngôi mộ (lúc đó - 2006) nằm trong phần đất sử dụng của các gia đình, thì không thể biết được là bao nhiêu. Theo lời kể của bà Đặng Thị Như (74 tuổi), người trông coi và thờ cúng sau cùng khu mộ này, thì khu mộ này có từ 360 đến 365 cái.
Cũng theo lời kể của bà Đặng Thị Như, từ sau năm 1975 đến nay (2006), khu mộ hoàn toàn không có ai chăm sóc và thờ cúng. Từ 25/9 - 2/11/2006, chúng tôi đã khai quật 7 hố (ở 3 khu vực khác nhau) để phục vụ nghiên cứu. Tổng số có 39 bộ xương cốt được tìm thấy. Phần lớn xương còn lại đều mục nát, vỡ thành nhiều mảnh nhỏ. Tất cả những ngôi mộ ở đây đều được cải táng, tức là đã được chôn lại lần thứ hai. Vấn đề chính có phải khu mộ này của nghĩa quân Tây Sơn hay không thì đến thời điểm khai quật và những chứng cứ tìm thấy đều đã bị mục nát như mô tả ở trên. Do đó việc giám định không thể thực hiện được.
Sau khi khai quật xong những ngôi mộ cổ trong khu mộ được UBND tỉnh cho phép, Sở Văn hóa Thông tin và Sở Tài chính có công văn liên sở gửi UBND tỉnh, bàn giao và tìm địa điểm bảo quản, chôn cất 39 hài cốt phát hiện khi khai quật khảo cổ. Do chưa có nơi chôn cất lâu dài, nên UBND tỉnh có Công văn số 4802/UBND -TH giao cho Sở Văn hóa Thông tin chôn tạm 39 bộ xương cốt vừa khai quật tại khu trung tâm trong khu mộ vô danh để chờ lập nghĩa trang chôn cất. Đồng thời giao cho UBND phường Xuân An có trách nhiệm quản lý, bảo vệ và bảo đảm tình hình an ninh, trật tự trong khu vực chôn cất.
Sau đó, UBND thành phố Phan Thiết có Công văn số 589/UBND-ĐT thông báo đã chọn khu đất 1.500m2 để làm nghĩa trang. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, trong đó có việc UBND tỉnh cho dời nghĩa trang phía Nam TP. Phan Thiết về núi Ba Hòn, cũng như giao cho TP. Phan Thiết phối hợp với Sở Xây dựng lập quy hoạch khu nghĩa trang trình tỉnh quyết định.
Từ những lý do nêu trên, nên không thể tiếp tục khai quật cũng như di dời gần 300 nấm mộ khác đến nghĩa trang mới (trong đó có 39 mộ đã khai quật).
Nên di dời đến một nghĩa trang mới
Qua khảo sát cho thấy đây là khu mộ cổ chưa xác định chính xác là của nghĩa quân Tây Sơn hay không vì không còn bất cứ một nguồn tư liệu thành văn chính xác nào để lại, kể cả tư liệu khảo cổ học. Tuy nhiên, đây là một nghĩa trang có diện tích rộng, có am thờ và các nghi lễ hàng năm, do người dân địa phương thực hiện từ hơn 220 năm qua. Do đó, hơn 10 năm trước chúng tôi đã kiến nghị UBND tỉnh cần thiết phải di dời khu mộ cổ này đi nơi khác, để không ảnh hưởng đến môi trường của khu dân cư. Khi di dời đến một địa điểm mới khác, cần bố trí một diện tích tương ứng với số hài cốt khai quật được, dự kiến khoảng 300 bộ hài cốt (đã cải táng). Khi chôn, các bộ xương để vào các tiểu gỗ (hoặc sành) và nên chôn liền kề nhau, bên trên các nấm mộ cần xây theo dạng ô hộc như các nghĩa trang. Phía trước toàn bộ những nấm mộ này, nên xây một am thờ có diện tích khoảng 36m2 để làm nơi thờ như ngôi miếu cũ bị đổ để bà con quanh vùng thờ cúng vong linh những người đã khuất trong những ngày thanh minh, ngày tết…
Nguyễn Xuân Lý