Ở đó, ngôi chùa Kỳ Viên tuy mới trùng tu nhưng lưu giữ được một số bảo vật cúng lễ có giá trị lịch sử, gắn liền với quá trình hình thành vùng đất gần 200 năm. Mối cơ duyên qua cuộc hành trình tu tập của nhà sư Trần Hữu Đức, pháp danh Thông Ân từ Phú Yên vào Bình Thuận, đi dọc theo bờ biển đến mũi Kê Gà, tìm một hốc đá lớn làm nơi thiền tịnh. Dân làng Bàu Siêu, Thạnh Mỹ, Văn Kê từ lâu sống giữa cảnh hoang dã trước biển sau rừng luôn bị ám ảnh những tai ương nghịch chướng. Cho nên có một niềm tin vào cõi siêu nhiên đã cùng nhau dựng mái chùa vào khoảng năm 1842 dưới chân động cát cao, cây rừng che phủ. Cũng từ đó có tên Động Chùa và cung thỉnh nhà sư về mở pháp, chăm lo phật sự. Nhưng nhà sư cảm thấy nghiệp duyên chưa thể dừng lại nên đến làng Kim Thạnh (Bàu Trâm) là nơi rừng sâu, thanh vắng và lập ngôi tam bảo Kim Quang tự. Ở đây không lâu, tổ Hữu Đức lại giao cho đệ tử kế tự tiếp tục đi về hướng núi Tà Cú, hết Đá Bàn Hạ lên Đá Bàn Thượng và khai sơn ngôi Linh sơn trường thọ tự. Trong thời kháng Pháp, chùa dời vào rừng sâu núi Bà Đặng nên có dấu tích Mương Chùa, nhờ đó mà một số pháp khí, tượng Phật, sắc phong được bảo tồn, lưu giữ. Những bậc cao niên trong ban hộ tự kể lại cách gìn giữ chỉ bằng ống tre bịt kín, dời chuyển nhiều nơi suốt chặng đường hơn trăm năm.
Tại chánh điện thờ Phật và tả hữu thờ Ngọc Hoàng, Quan Thánh và có cả Tổ sư Thông Ân Hữu Đức. Bên cạnh chùa còn có dinh thờ chư vị Thánh Mẫu theo tín ngưỡng dân gian. Đặc biệt, còn vài tượng, đồ tế lễ xưa bằng đồng, tranh liễn, hoành phi bằng gỗ quý và 4 sắc phong dưới các triều vua Tự Đức, Khải Định, Bảo Đại với loại giấy sắc nhủ vàng còn nguyên vẹn nét chữ, triện son. Theo các nhà nghiên cứu, trong các sắc phong này có ý nghĩa phong bệ thần linh có công hộ quốc trị dân và hình tượng hóa trong tâm thức tín ngưỡng dân gian vừa thể hiện quyền uy quản lý đất đai của triều Nguyễn.
Nếu hình dung lại mảnh đất này ở những ngày đầu sau giải phóng tháng 4/1975, chỉ là nơi dày đặc hố bom, cỏ cây rụi chết vì chất độc khai hoang, dân cư phiêu dạt tứ tán. Một số từ chiến khu Bà Đặng nay mới hồi cư, trên ngàn hộ gia đình suốt những năm dài là dân ngụ cư trên đất Tân Hải cùng trở về trong mừng vui, nhưng phải đối mặt với bao khó khăn, gian khổ. Mà nay Tân Thành đã thay đổi lớn và những địa danh huyền thoại hải đăng Kê Gà, Hòn Lan, vạn Văn Thạnh, những bãi đá hoang sơ… trở thành điểm đến du lịch biển nổi tiếng.
Chùa Kỳ Viên đã đồng hành cùng sự thăng trầm của mảnh đất Tân Thành từ thuở mở đất lập làng, vùi dập trong chiến tranh và cho đến ngày nay mới có được ngôi chùa mái ngói, tường xây, cổ lầu… giữa không gian sinh động, thanh bình. Gốc cây me cổ thụ trên trăm tuổi với cành lá xanh biếc như thấm đẫm hồn thiêng, bởi hồi chuông chùa thanh thoát gióng lên hòa vào tiếng kinh nhật tụng, rộng mở cửa thiền đón khách thập phương đến đây tưởng nhớ thuở khai sơn và tận mắt ngắm nhìn cổ vật.
PHAN CHÍNH