Chuột hoành hành
Ông Trần Ngọc Thập, khu phố 8, thị trấn Võ Xu có gần 1 ha đất sản xuất lúa. Ông cho biết:hơn 1 tháng qua, sau khi thu hoạch lúa vụ hè thu, ông tiến hành xuống giống lúa vụ mùa. Theo tập quán, mỗi sào ông gieo 25 kg. Tuy nhiên, sau khi gieo, chuột liên tục cắn phá. “Không riêng gia đình tôi, mà nhiều diện tích lúa của những hộ dân khác cũng bị chuột tấn công, với tỷ lệ từ 5 - 30%. Vì vậy, bà con phải dặm lại nhiều lần. Riêng gia đình tôi phải gieo lại tới lần thứ 2 thì ruộng lúa mới lên được”, ông Thập cho biết thêm.
Vừa vơ đống lá lúa bị chuột cắn, bà Nguyễn Thị Hằng cũng ở tại khu phố 8, thị trấn Võ Xu cho biết, gia đình đã làm đủ mọi cách phòng trừ chuột, nhưng chúng vẫn gặm nhấm lúa quá nhiều. “Gia đình tôi đã chủ động mua túi nilon vây kín 2 đầu bờ, cắm cờ túi bóng xung quanh ruộng, đánh bả thuốc… nhưng vẫn bị chuột cào xé rách nilon chui vào trong ruộng tàn phá lúa”, bà Hằng nói.
Bà con nông dân thực hiện các biện pháp bảo vệ mùa màng
Không chỉ diện tích lúa bị thiệt hại, nhiều diện tích hoa màu khác cũng bị chuột phá hoại. Ông Trần Hòa, khu phố 8, thị trấn Võ Xu cho biết: Gia đình có 1 ha trồng sen nuôi cá. Mọi năm, thời điểm này ông cũng như bà con sẽ bắt đầu thu hoạch đài sen. Cứ 3 ngày sẽ bẻ 1 đợt và thu như vậy đến 2 tháng sau là dứt vụ. Ước đạt năng suất khoảng 2 tấn đài sen. Dự tính là vậy, tuy nhiên từ đầu vụ đến nay ông Hòa vẫn chưa thu được gì. Nguyên nhân là khi cây sen vừa nở hoa, đang giai đoạn tạo hạt thì đã bị chuột cắn phá. “Giá thương lái thu mua đài sen hiện nay đang ở mức 30.000 đồng/kg; nhưng tôi cũng như nhiều hộ dân ở đây không còn sen để bán”, ông Hòa buồn rầu nói.
Tăng cường các giải pháp diệt chuột
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện toàn tỉnh có gần 500 ha bị chuột phá hoại, tập trung ở 2 huyện Đức Linh và Tánh Linh. Nhiễm nhẹ 30 ha, tỷ lệ hại 5 – 10%, nhiễm trung bình 435 ha, tỷ lệ 10 – 20%. Điều lo ngại, khi bị chuột cắn đứt nát thân, cây lúa sẽ không thể phục hồi, đồng nghĩa với việc mất hoàn toàn thu hoạch diện tích lúa đã bị chuột cắn phá, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân. Một trong những nguyên nhân là do nhiều nông dân không tuân thủ theo lịch thời vụ, gieo sạ không đồng loạt, dẫn đến thu hoạch lúa liên tục trên đồng ruộng, tạo điều kiện để chuột có nơi trú ẩn, sinh sản và cắn phá diện tích lúa gieo sạ và thu hoạch. Mặt khác, việc kiên cố hóa kênh mương đã phổ biến nên nơi ẩn nấp của chuột không còn khiến chúng xâm nhập vào ruộng đồng.
Hiện nay, nông dân ở 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh diệt chuột bằng nhiều hình thức; kết hợp nhiều biện pháp như hóa học, sinh học, thủ công… Trong đó, biện pháp sinh học và thủ công là chủ yếu.
Thạc sĩ Lê Công Hoàng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, để hạn chế mật độ và tác hại của chuột trên đồng ruộng, bà con nên áp dụng nhiều cách phòng trừ hợp lý và tuân thủ các nguyên tắc cơ bản như: Vận động nhau tổ chức ra quân diệt chuột đồng loạt trên diện rộng, làm mất nơi cư trú của chuột bằng cách kiểm tra, phá hủy những nơi chuột trú ẩn, dựa vào tập tính không đi lùi và tìm chỗ chui khi có vật cản, dùng bạt nilon để bao xung quanh bờ ruộng và đặt lồng để bắt chuột.
Ông Hoàng nhấn mạnh, việc tổ chức diệt chuột cần phải mang tính cộng đồng. Tránh tình trạng dùng thuốc cấm, dùng điện và các biện pháp dễ gây nguy hiểm cho người, vật nuôi để diệt chuột.
Thanh Nhàn