Theo dõi trên

Chuột trong văn hóa Việt Nam

15/01/2020, 16:49

  BX- Trong văn hóa Việt Nam, chuột gắn liền với nền văn minh lúa nước. Chuột cũng là nguồn cảm hứng của nhiều tác phẩm văn hóa - nghệ thuật dân gian thú vị còn tồn tại đến ngày nay.

                
Tranh dân gian Đông Hồ - Đám cưới chuột.

 Chuột là loài động vật tồn tại với nghề nông nghiệp lúa nước. Bởi vậy, chung sống với người từ bao đời nay, chuột có “vai trò” trong kho tàng văn học Việt Nam. Trước hết trong thành ngữ, ca dao… chuột được nhắc đến khá nhiều. Thuở nhỏ, ai chẳng thuộc bài đồng dao: “Con mèo mà trèo cây cau/ Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà…” còn những câu thành ngữ mà thường ngày hay nghe như cháy nhà ra mặt chuột, chuột sa hũ nếp, đầu voi đuôi chuột, chuột chạy cùng sào, ướt như chuột lột… Và hình ảnh chuột còn là nguồn cảm hứng trong các tác phẩm nghệ thuật dân gian, tiêu biểu là tranh Đông Hồ. Trong đó, không thể không kể đến một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của dòng tranh dân gian Đông Hồ - Đám cưới chuột, một bức tranh có lịch sử hơn 500 năm. Những ai đã từng xem tranh Đám cưới chuột, hẳn sẽ thấy loài chuột hóm hỉnh như thế nào. Bức tranh mô tả một đám cưới xưa, có cả cờ, quạt, kèn, trống và các loại lễ vật. Chuột đi trên con đường chẳng lấy gì là bằng phẳng. Đã vậy, giữa đường lại có một “lão” mèo già hung dữ cản lối. Những chú chuột trong đám rước thấy vậy sợ hãi, mặt mày lấm la lấm lét. Hóa ra, làm đám cưới, chuột phải lo lễ vật (chim, cá) cống nạp cho mèo, cầu xin mèo cho đám cưới bình yên. Chính vì vậy chuột trong bức tranh, vô hình trung được người ta thương cảm, yêu mến.

Chuột còn là điều may mắn đối với người dân miền Tây Nam bộ, trong đêm giao thừa nghe tiếng chuột kêu “chít chít” đâu đó quanh nhà cũng đủ làm không ít người mừng rỡ, bởi lẽ họ tin rằng đó là dấu hiệu của một năm mới sung túc, mùa màng bội thu. Bởi lẽ chuột có khả năng sinh sôi nảy nở rất lớn, người ta cho rằng nơi nào có chuột nơi đó đều có của cải sung túc. Không những thế, chuột đồng còn trở thành một món ăn ngon, cứu cánh cho đời sống của người dân vào những mùa khô hạn. Thế nên họ mới có câu “Cần chi cá lóc cá rô/ Thịt chuột thịt rắn nhậu vô hơn nhiều”. Chuột bỗng dưng trở thành món ăn “khoái khẩu” của người miền Tây Nam bộ.

Nhìn chung trong các truyền thuyết dân gian, tính cách của chuột là tinh ranh, xảo quyệt, thường dùng mưu để thắng các đối thủ. Điều này tuy không phải là cơ sở giải thích một cách khoa học, song nó cho thấy một cách nhìn về chuột trong dân gian: vừa căm ghét, sợ hãi lại vừa kính nể, sùng bái. Nhưng dù ghét hay thích,  chuột vẫn luôn là loài vật gắn liền với đời sống con người từ bao đời nay.

Xuân Canh Tý đã đến gần. Trong mỗi gia đình người dân Việt hình ảnh con chuột thật quen thuộc. Có lẽ vì vậy mà chuột đứng đầu trong 12 con giáp và nhiều người tin rằng năm chuột là năm may mắn.

Văn Dương



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuột trong văn hóa Việt Nam