Theo dõi trên

Chút kỷ niệm riêng tư với nhà thơ Phạm Tiến Duật

05/07/2024, 05:44

Tôi gặp anh Phạm Tiến Duật lần đầu tiên vào tháng 12/1985 tại Hà Nội trong Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ III.

Anh là thành viên của Ban tổ chức, còn tôi là đại biểu chính thức, đồng thời là một trong ba ủy viên Thư ký Đoàn của Hội nghị. Trước mắt tôi là một gương mặt thi sĩ phong độ hào hoa, nhanh nhẹn và hoạt ngôn, bộc lộ cái duyên ăn nói đủ sức gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đối diện ngay từ phút đầu tiên. Khi tôi rụt rè bày tỏ sự biết ơn vì anh là người đã biên tập chùm thơ xuất hiện lần đầu tiên của tôi trên Tuần báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam năm 1981 thì anh mỉm cười và nói: "Bài thơ của Vinh đã là một bình hoa đẹp, mình chỉ làm công việc ngắt bớt đi vài chiếc lá để cho những bông hoa trong bình rực rỡ lên mà thôi". Bài thơ này về sau khi in thành sách, tôi có viết lại hai câu cuối và sửa tựa đề nhưng nội dung biên tập của anh thì vẫn giữ nguyên. Cũng trong Hội nghị đó, khi chuẩn bị nội dung cho số báo đặc biệt về sự ra đi của nhà thơ lớn Xuân Diệu, tôi và Nguyễn Trọng Tín (Cà Mau) được phân công viết một bài dưới góc độ đại diện cho những người làm thơ trẻ của Hội nghị để kính viếng nhà thơ bậc thầy - Xuân Diệu. Tín đang mải vui gặp mặt bạn bè nên dành vinh dự này cho tôi. Khi thấy tôi đang lưỡng lự, phân vân thì anh Phạm Tiến Duật đã chân tình, cởi mở: "Vinh cứ viết đi, rồi anh sẽ đọc và biên tập lại cho em". Bài viết ngắn đó có tên là "Kính nhớ một người thầy - Xuân Diệu" về sau được chọn in lại trong tập sách "Xuân Diệu - con người & tác phẩm" do anh Hữu Nhuận biên soạn. Tôi nhớ phía dưới bài viết là mấy chục cái tên dự Hội nghị mà giờ đây hầu hết đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Và nếu trí nhớ không phản bội tôi thì bài điếu văn do nhà lý luận - phê bình Hà Xuân Trường - Trưởng ban Tư tưởng - văn hóa Trung ương đọc tại buổi lễ truy điệu nhà thơ Xuân Diệu cũng do chính nhà thơ Phạm Tiến Duật chuẩn bị rất công phu và xúc động. Bài viết ấy mang cái tên rất thơ - "Một cây lớn nằm xuống, cả khoảng trời trống vắng"- thể hiện một phong cách rất riêng - phong cách Phạm Tiến Duật. Sinh thời, anh chỉ từng đi qua Bình Thuận chứ chưa đặt chân lên mảnh đất cực Nam Trung bộ này như anh đã từng thú nhận. Nhưng Bình Thuận đã để lại trong anh những ấn tượng khó quên như chính anh đã từng thổ lộ: “… Nói tới cát đỏ, ấy là nói đến một bối cảnh Bình Thuận. Từ cát đỏ ấy đã làm nên văn, nên sử, nên nhạc của cả một vùng đất…”.

bia-sach-pham-tien-duat.jpg

Nhà thơ Phạm Tiến Duật sinh năm 1941, quê gốc ở Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, vào chiến trường năm 1964 sau khi tốt nghiệp Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong một bài viết dưới dạng chân dung hết sức trân trọng về Phạm Tiến Duật, nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã khái quát rất chính xác bằng một câu tôi còn nhớ như in "Đường Trường Sơn - Đường thơ Phạm Tiến Duật". Thật vậy, những bài thơ hay nhất của anh đều có địa chỉ ở Đường dây 559. Đó là những bài thơ đã mang về cho anh giải nhất cuộc thi thơ báo Văn Nghệ năm 1969 - 1970 và mang đến cho thơ ca chống Mỹ một giọng điệu mới mẻ, độc đáo mà trước đó chưa hề có. Giờ đây, đọc lại những "Lửa đèn", "Tiếng bom ở Seng Phan", "Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây", "Gửi em - cô thanh niên xung phong", "Nhớ" mỗi chúng ta đều vẹn nguyên niềm xúc động thuở nào.

Giáo sư Lê Đình Kỵ trong một bài viết in trên tuần báo Văn Nghệ nhân kỷ niệm 50 năm văn học Việt Nam có viết, đại ý "Trong thời kỳ chống Mỹ có hai trường phái thơ: Trường phái thơ Chế Lan Viên và trường phái thơ Phạm Tiến Duật". Giáo sư còn chỉ ra một cách cụ thể rằng trường phái thơ Phạm Tiến Duật chủ yếu tìm cái đẹp trong các diễn biến sôi động của cuộc sống... Nhớ về những tháng năm sống và viết ở đường Trường Sơn, Phạm Tiến Duật tâm sự: "Giáo sư Lê Đình Kỵ đã gọi đúng về tôi. Nếu không có cuộc sống với những con người đa dạng ồn ào bao quanh với xô bồ chi tiết trôi chảy từng phút, từng giờ, thì hình như tôi không có thơ".

Khoảng thời gian sau hòa bình lập lại, anh xuất ngũ, làm báo, làm quản lý, kinh qua các cương vị khác nhau trong Hội Nhà văn Việt Nam nhưng không ra khỏi quỹ đạo của văn chương và đặc biệt là anh vẫn thủy chung với "nàng thơ". Phạm Tiến Duật đã xuất bản các tập thơ: "Vầng trăng - quầng lửa (1970)", "Thơ một chặng đường (1971)", "Ở hai đầu núi (1981)", "Vầng trăng và những quầng lửa (1983)", "Thơ một chặng đường (tuyển tập thơ 1994)", "Nhóm lửa (1996)", "Tiếng bom và tiếng chuông chùa (trường ca - 2000)", "Vừa làm - vừa nghĩ (tiểu luận - 2003)". Với những cống hiến xuất sắc cho nền văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt là giai đoạn văn học chống Mỹ, cứu nước - nhà thơ Phạm Tiến Duật đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt I-2001; giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt IV-2012.

Anh vĩnh viễn ra đi vào năm 2007 trong niềm tiếc thương vô hạn của bạn bè, anh em và hàng triệu độc giả ngưỡng mộ một gương mặt thơ tiêu biểu, xuất sắc của nền văn học Việt Nam đương đại.

ĐỖ QUANG VINH


(0) Bình luận
Bài liên quan

Giải Võ cổ truyền vô địch các lứa tuổi trẻ tỉnh năm 2024: 
Đức Linh Nhất toàn đoàn
BTO-Giải võ cổ truyền vô địch các lứa tuổi trẻ tỉnh năm 2024 đã khép lại với các trận chung kết nội dung đối kháng và bế mạc giải vào sáng 4/7, tại Nhà thi đấu tỉnh.
Nổi bật
Phòng chống lừa đảo trên không gian mạng: Cần thiết phải có Trung tâm Xử lý nhanh
Chỉ cần một cái nhấp chuột vào đường link do các đối tượng cung cấp thì toàn bộ dữ liệu trên thiết bị di động của người dân đã bị chiếm đoạt. Trong "cuộc chiến" phòng chống lừa đảo trên không gian mạng, thời gian không tính bằng ngày mà tính bằng giờ, bằng phút thậm chí bằng giây. Việc hình thành Trung tâm Xử lý nhanh về các vụ lừa đảo trên không gian mạng là hết sức cấp thiết.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chút kỷ niệm riêng tư với nhà thơ Phạm Tiến Duật