Nếu như ở đất liền, tài sản của ai đó không được bảo quản, trông coi cẩn thận thì sẽ bị mất, nhưng ở "đảo ngọc" Phú Quý thì bạn có để vài ngày vẫn còn đó. Nhất là xe máy, phương tiện thông dụng có giá trị vốn luôn là tầm ngắm của đối tượng trộm cắp. Người dân trên đảo cũng như các dịch vụ cho thuê xe hầu như không lo mất xe. “Cứ chạy ra cảng, rồi bỏ xe lại, lên tàu về Phan Thiết”, một người cho thuê xe máy ở Phú Quý nói với Diễm từ xã Hàm Liêm (Hàm Thuận Bắc) ra đảo khảo sát tình hình để mở dịch vụ Spa theo lời mời của người bạn. Diễm làm theo lời chủ xe dặn và bỏ xe trên cảng, xuống tàu về đất liền. “Bạn em nói an ninh trật tự ở đảo rất tốt, có khi xe máy người ta để ngoài đường cả đêm không mất vì kẻ trộm có lấy thì đâu có đem đi đâu được, cũng chỉ ở trên đảo”, Diễm trò chuyện với tôi khi cả hai cùng chung chuyến tàu về đất liền.
Toàn huyện đảo có 3 xã/10 thôn, dân số khoảng 29.000 người, chủ yếu làm nghề đánh bắt hải sản. Xã nào cũng có đường bê tông, láng nhựa phẳng lỳ, nhiều công trình, nhà cửa đã và đang “mọc lên” như nấm sau mưa. Chẳng hạn, Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Phú Quý, với quy mô 1.000 tàu thuyền, đang triển khai giai đoạn 2. Khi hoàn thành sẽ góp phần giảm thiệt hại về người và tài sản, phương tiện hoạt động nghề cá… khi mùa mưa bão đến. Bên cạnh đó là công trình bảo vệ đê kè biển của Dự án kè chống xói lở bảo vệ bờ biển Phú Quý do Công ty Thành An, Binh đoàn 11 thuộc Bộ Quốc phòng đang triển khai các hạng mục còn lại. Cách không xa theo đường ven biển là cảng biển tấp nập tàu, ghe. Trong đó có 5 tàu chuyên chở khách, 2 tàu xăng dầu, 6 tàu chở hàng hóa, 2 tàu dịch vụ hậu cần… đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, du khách đến và đi giữa đảo và đất liền. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý Lê Quang Vinh thông tin, huyện đảo đã về đích nông thôn mới vào năm 2015, đang tiếp tục giữ chuẩn và nâng chuẩn các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Điều đó cho thấy y tế, giáo dục, an sinh xã hội… trên địa bàn huyện đảo khá tốt. “Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 68% hộ dân sử dụng nước sạch, 99% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% số hộ có điện; 100% trẻ em 5 tuổi vào mẫu giáo và 100% trong độ tuổi vào lớp 1; mỗi xã đều có trạm y tế, cùng với Trung tâm Y tế Quân dân y… đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân”, ông Vinh diễn giải thêm.
Đời sống của người dân huyện đảo ngày càng được cải thiện. Tuy vậy, còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng người dân trên đảo luôn lạc quan, yêu thương, giúp đỡ nhau vượt qua, sẵn sàng đương đầu với hiểm nguy. Chính vì vậy tệ nạn xã hội bao gồm trộm cắp vốn phổ biến nhất trong các loại tệ nạn cũng ít xảy ra. “Ở đảo không có tệ nạn xã hội như trộm cắp, chạy xe lạng lách, đánh võng… Xe máy chúng tôi để cả ngày, cả đêm ngoài đường không ai lấy. An ninh ở đây rất tốt!”, Hiệp - nhân viên bảo vệ một chi nhánh ngân hàng, và một số người dân khác trên đảo chia sẻ.
Điều chia sẻ ấy vô tình trùng hợp với phát biểu của ông Lê Quang Vinh trong buổi làm việc với Trung tướng Bùi Quốc Oai – Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam tham dự chương trình “Trung thu biên cương” là đúng. “Trên đảo có Ban CHQS, Công an huyện; Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Phú Quý; Phân kho VK 102, Cục Hậu cần, Quân khu 7 và các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng. An ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên đảo giữ vững, ổn định. Các hoạt động tuần ra, kiểm soát địa bàn công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội đạt kết quả tốt”, ông Vinh cho biết. Điều này góp phần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội huyện đảo, trong đó có hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch.