Hơn 12.700 thí sinh trong tỉnh đã vượt qua ngày thi đầu tiên gồm 2 môn Ngữ văn và Toán với nhiều cảm xúc khác nhau. Hôm nay (8/7) các sĩ tử tiếp tục làm bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, Ngoại ngữ. Bên trong phòng thi đã “nóng”, nhưng ngoài điểm thi phụ huynh cũng như “ngồi trên đống lửa”.
Trống điểm đến giờ làm bài, nhưng trước điểm thi Trường THPT Hàm Thuận Bắc, rất nhiều phụ huynh vẫn nán lại bỏ gọn xe lên lề đường và sát cổng trường ngồi chờ con. Chị Nguyễn Thị Bé (xã Thuận Hòa) lo lắng: “Đêm qua tôi trằn trọc không ngủ được, nên hơn 4 giờ đã dậy chuẩn bị cơm nước cho con ăn đi thi. Kết quả của 12 năm ăn học phụ thuộc vào 2 ngày thi quan trọng này. Tôi cũng động viên con giữ tâm lý bình tĩnh làm bài, không vào được ngôi trường như nguyện vọng thì đi học nghề”.
Cũng như bao người cha, người mẹ khác, lo lắng cho con nhưng không tạo quá nhiều kỳ vọng vì sợ con áp lực, anh Bùi Ngọc Anh (thôn Phú Lập, xã Hàm Phú) chia sẻ: Tôi có 2 đứa con trai. Con trai đầu đang theo học bác sĩ đa khoa ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng không vì thế mà tạo áp lực lên cho thằng bé đang đi thi, vì mỗi đứa một tính nết, một sở thích và khả năng khác nhau. Chỉ mong con vượt qua kỳ thi này để tự tin bước tiếp những ngưỡng cửa tiếp theo mà con mong muốn”.
Thời tiết trong ngày thi đầu tiên nắng nóng, càng về trưa càng gay gắt, để “tiếp sức” cho em sau khi ngồi làm bài suốt 2 tiếng đồng hồ, chị gái Thùy Hân (thôn Ninh Thuận, xã Hàm Chính) tranh thủ ghé quán mua cho em một lon nước mát treo sẵn lên xe. Từ nhỏ, hai chị em Hân đã thiếu hơi ấm của cha. Thương mẹ vất vả, chị gái sau khi hoàn thành chương trình học lớp 9 thì xin nghỉ học, đi làm phụ mẹ nuôi em. Thay vì đi xe đạp điện đến trường như thường ngày, trong 2 ngày thi, Hân “đăng ký” làm xe ôm miễn phí cho em. Có chị đồng hành sẽ giúp em vững tin hơn.
Còn tại điểm thi Trường THPT Lương Thế Vinh (Hàm Thuận Nam), cùng đứng chờ con đi thi mà hai người cha ở xã Mương Mán mới quen nhau. Dù quãng đường từ nhà đến điểm thi khoảng 20 phút chạy xe máy, nhưng họ đều cho biết, việc ở nhà còn rất nhiều, nhưng trong 1-2 tiếng chạy về làm gì cũng không tập trung, nên ngồi tạm ở đây. “Ngày xưa mình chỉ được học đến cấp 2, giờ thấy con có ý chí học hành, khổ cực, vất vả mấy cha mẹ cũng cố gắng xoay xở. Trước kỳ thi mấy ngày, tôi cũng động viên con chỉ cần bình tĩnh, cố gắng vận dụng kiến thức đã học. Chọn nghề nghiệp nào là tùy vào sở thích, nhu cầu xã hội và khả năng học tập. Không thể làm thầy thì hãy làm một người thợ giỏi”, anh Mai Hữu Vị (thôn Đằng Thành, xã Mương Mán) nói.
Người ta vẫn nói rằng, muốn hiểu lòng cha mẹ cứ đến cổng trường những ngày thi. Quả thật vậy, dù trời nắng, mồ hôi ướt đẫm, bậc làm cha, làm mẹ nào cũng muốn là hậu phương vững chắc cho các con. Hơn hết, họ đều muốn nhắn nhủ đến con: Hãy vượt qua chính mình, dù ở bất cứ thời điểm nào, những thời điểm quan trọng nhất với cuộc đời con đều có mẹ cha, người thân bên cạnh.