Theo dõi trên

Chuyện ghi nơi vựa lúa lớn nhất Bình Thuận

03/04/2023, 16:17

Nếu như trước đây sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu, nông dân chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất chưa nhiều nên năng suất, sản lượng đạt thấp, thì nay Tánh Linh đã bứt phá mạnh mẽ và trở thành một trong những vựa lúa lớn nhất của tỉnh Bình Thuận. Không những thế Tánh Linh đã và đang sản xuất theo hướng hữu cơ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.

Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi về xã Đức Phú chứng kiến những cánh đồng lúa vàng óng ả đang được bà con nông dân thu hoạch. Trên con đường giao thông nông thôn được bê tông xi măng kiên cố, ông Nguyễn Trường Toán, Chủ nhiệm hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Đức Phú điều kiển chiếc xe ô tô “Rép” ra tận từng chân ruộng để chỉ đạo thu hoạch lúa vụ đông xuân của hợp tác xã.

1-4-lua-dogn-xuan.jpg

Ông Toán cho biết, hợp tác xã của ông ra đời từ năm 1985, với diện tích sản xuất ban đầu 130 ha, đến nay đã tăng lên gần 180 ha. Lúc mới hình thành, hoạt động của hợp tác xã cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Thời điểm ấy sản xuất chủ yếu một vụ phụ thuộc vào nước trời. Giao thông nội đồng chưa được cứng hóa, lại nhỏ hẹp; thủy lợi cũng không nên sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, lợi nhuận mang lại cho hợp tác xã rất ít. Từ khi Nhà nước đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi kiên cố, nước tưới đến từng chân ruộng, rồi giao thông nội đồng được cứng hóa, bê tông hóa thì việc sản xuất kinh doanh của hợp tác xã thuận lợi hơn. Từ 1 vụ lúa/năm đã tăng lên 2 vụ lúa/năm. Trước đây chỉ chuyên sản xuất lúa thịt, hợp tác xã đã mạnh dạn liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, không còn bị tư thương ép giá. Diện tích liên kết đã tăng lên 100 ha. Ngoài thực hiện liên kết, hợp tác xã còn dành một ít diện tích đất để sản xuất lúa giống, thí điểm một số giống mới trước khi đưa vào sản xuất đại trà. Lợi nhuận từ việc kinh doanh của hợp tác xã năm nào cũng đạt khá cao. Riêng trong vụ đông xuân 2022-2023, ngoài thực hiện liên kết với doanh nghiệp 100 ha, hợp tác xã dành 2.000 m2 thí điểm sản xuất lúa ST 25 theo hướng hữu cơ; dành 6 ha sản xuất lúa OM 18 cũng theo hướng hữu cơ. Năng suất đạt trung bình 70 tạ/ha; giá bán 6.800 đồng/kg, lợi nhuận khá cao. Hiện nay hợp tác xã đang xin thủ tục để được cấp nhãn hiệu gạo Đức Phú cung cấp ra thị trường.

Còn ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Đức Bình thì không giấu được sự phấn khởi cho biết: Sản xuất bây giờ rất thuận lợi, vì vậy ngay từ khi thành lập hợp tác xã vào năm 2017 với tổng diện tích 25 ha, ông đã mạnh dạn thử nghiệm 0,7 ha theo hướng hữu cơ. Tuy năng suất đạt thấp nhưng bù lại giá thành cao, cơm thơm ngon, đặc biệt là sạch an toàn. Vì vậy đã nâng diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ lên qua từng vụ. Đến nay, diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ đã lên đến 50 ha, trong đó 25 ha của hợp tác xã còn 25 ha liên kết với nông dân ở ngoài địa phương. Gạo hữu cơ của hợp tác xã được sử dụng nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh”. Hiện nay, hợp tác xã có 2 sản phẩm gạo ST24 và gạo OM18 được công nhận 3 sao. Tới đây hợp tác xã không chỉ duy trì sản xuất theo hướng hữu cơ đối với diện tích 50 ha mà còn liên kết với bà con nông dân để nâng thêm diện tích sản xuất hữu cơ và nâng chất lượng sản phẩm gạo lên 4 sao.

Ông Võ Văn Ty, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tánh Linh cho biết: Trước đây vụ đông xuân phải bỏ hoang vào mùa nắng do không có nước tưới thì nay đã trở thành vụ chính trong năm. Từ sử dụng lúa thịt làm giống thì nay trên 95% sử dụng giống lúa xác nhận chất lượng cao đưa vào sản xuất nhờ vậy năng suất tăng đáng kể. Có được như vậy là nhờ Chỉ thị số 15 của Huyện ủy về phát triển thủy lợi gắn với giao thông nội đồng ra đời vào năm 2003 đã mở lối cho phát triển nông nghiệp và nông thôn phát triển. Tiếp đó, Huyện ủy có chương trình hành động về tiếp tục hoàn chỉnh kiên cố hóa hệ thống kênh mương thủy lợi gắn với giao thông nội đồng đến năm 2015. Cùng với đó là sự hỗ trợ từ phía Trung ương đầu tư xây dựng công trình thủy lợi Tà Pao. Nhờ vậy, đến nay hệ thống thủy lợi đã bao phủ và kết nối với các hộ đập trên địa bàn như hồ Biển Lạc, kênh tiếp nước Biển Lạc – Hàm Tân và 9 đập dâng nhỏ và 8 trạm bơm điện đặt dọc theo sông La Ngà, cung cấp tưới cho trên 46.000 ha đất sản xuất nông nghiệp.

Có nước, những vùng đất cằn cỗi như được hồi sinh và được phủ xanh các loại cây cối, hoa màu. Huyện đã xây dựng cánh đồng lớn được hơn 3.000 ha, triển khai và thực hiện vùng lúa chất lượng cao đạt trên 1.300 ha, chiếm 43% trên cánh đồng lớn, tạo điều kiện để mở rộng diện tích liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hàng năm, trên diện tích này, huyện đã hỗ trợ giá phân hữu cơ vi sinh để vừa cải tạo đất, vừa giúp nông dân chuyển dần sang sản xuất theo hướng hữu cơ. Nhờ vậy, có trên 500 ha vùng lúa chất lượng cao được sản xuất theo hướng hữu cơ, trong đó có 40 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có gắn nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh”, với sản lượng khoảng 100 tấn/năm; được tỉnh công nhận 2 sản phẩm OCOP gạo đạt 3 sao (ST24 và OM18), thu nhập tăng từ 1,5 đến 2 lần so với sản xuất lúa thương phẩm bình thường. Tổng sản lượng năm 2022 trên 194.000 tấn. Từ một huyện hàng năm phải trợ cấp lương thực trước đây thì nay Tánh Linh vươn lên là vùng trọng điểm lương thực của tỉnh. Không những đủ ăn, có dự trữ mà hàng năm còn xuất ra khỏi huyện hàng vạn tấn lương thực.

Sản xuất nông nghiệp đang phát triển theo hướng chất lượng cao và đặc biệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tánh Linh lần thứ IX cũng đã xác định một trong hai khâu đột phá đó là: Mở rộng và nâng cao hiệu quả liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm có tiềm năng và lợi thế của huyện gắn với đổi mới hình thức sản xuất phù hợp. Đây là điều kiện đặc biệt quan trọng để nông nghiệp Tánh Linh tiếp tục cất cánh trong tương lai gần.

NGỌC KHÁNH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Kết nối giao thương thị trường quốc tế: Cơ hội quảng bá sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của Bình Thuận
Sắp tới đây, nhiều sự kiện hướng đến kết nối giao thương thị trường quốc tế sẽ được tổ chức trong lẫn ngoài nước. Và đó cũng là cơ hội để doanh nghiệp địa phương tham gia nhằm tăng cường quảng bá sản phẩm đặc trưng của Bình Thuận…
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện ghi nơi vựa lúa lớn nhất Bình Thuận