Tàu Trường sa 08 cập cảng Lữ đoàn 171, kết thúc hải trình đem quà cho nhà giàn DK1, ảnh Mai Thắng |
Tình người lớn hơn sóng biển
Sau 12 ngày vượt sóng gió đem quà xuân của nhân dân cả nước gửi tặng các chiến sĩ nhà giàn DK1, Trạm radar 590, bộ đội Biên Phòng và nhân dân Côn Đảo, 9 giờ sáng ngày 16-1, cặp tàu Trường Sa 19 và Trường Sa 08 đã cập quân cảng Lữ đoàn 171 Vũng Tàu, kết thúc chuyến hải trình đem quà xuân ra thềm lục địa. Đón hai tàu hoàn thành nhiệm vụ trở về, có đông đảo sĩ quan, chiến sĩ của Lữ đoàn 171, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh cùng cơ quan chức năng của Vùng 2 Hải quân.
Các phóng viên báo đài trở về sau chuyến “vượt biển” đáng nhớ, ảnh Mai Thắng |
Ngay sau phút tàu Trường Sa 08 cập cảng, nhận bó hoa của Thủ trưởng Vùng 2 Hải quân, Đại tá Huỳnh Vĩnh Tuyến, Trưởng đoàn công tác số 2 xúc động. Mắt ông rưng rưng chia sẻ: “Chuyến đi để lại trong tôi quá nhiều xúc động. Đoàn công tác số 2 có nhiệm vụ chuyển quà xuân đến 5 nhà giàn trên biển, nhưng chỉ lên được với cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1/10. Việc chuyển hàng quà, người thay quân lên nhà giàn đều bằng dây ròng rọc. Nhiều phóng viên say sóng. Chứng kiến các phóng viên hát qua bộ đàm cho chiến sĩ nhà giàn nghe, các chiến sĩ vẫy tay tiễn biệt đoàn công tác trong sóng to gió lớn mới thấy tình người, tình đồng chí lớn hơn biển cả”.
Là người hát cho cán bộ chiến sĩ nhà giàn nghe qua bộ đàm Cụm Tư chính, Phúc Nguyên từ tàu Trường Sa 19, nữ phóng viên Thùy Dung, Phó Ban văn nghệ Đài Phát thanh Truyền hình Hà Giang vẫn rưng rưng khi kể lại giây phút “nghẹt thở” giữa biển khơi: “Làm cách nào để thể hiện được tình cảm đất liền đối với chiến sĩ đây trong điều kiện tàu và nhà chỉ cách nhau trăm mét mà không lên được vì sóng lớn. Em đã hát cho các chiến sĩ nghe từ trái tim mình. Vừa hát vừa khóc. Niềm vui khó tả, nhưng xúc động quá nhiều. Khi tàu chuyển hàng đến nhà giàn DK1/12 (Tư chính 4), em cảm giác thất vọng vì sóng quá lớn, mọi người không lên được giàn. Khi đến nhà giàn cuối cùng (DK1/10- PV), sóng gió giảm hơn chút. Mọi người vỡ òa vì được lên với các chiến sĩ. Chúng em xác định sẽ lần dây bơi vào nhà giàn. Nhưng cuối cùng lên bằng dây kéo. Có lúc em nghẹt thở khi nghe chiến sĩ kể chuyện nhớ nhà, nhớ đất liền khi xuân về Tết đến. Có anh 2 năm liên tục đón Tết ở nhà giàn. Có anh đi nhà giàn có thâm niên đến 29 năm. Khi đoàn làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ, em không cầm được nước mắt. Sự hi sinh của các anh không thể nói, viết hết được. Chuyến đi để lại trong em rất nhiều cảm xúc, mặc dù chưa lên được hết các nhà giàn, nhưng niềm vui cũng trọn vẹn”, Thùy dung chia sẻ.
Phóng viên Ngọc Mẫn tạm biệt những người lính biển, ảnh Mai Thắng |
Lần đầu tiên đến DK1, nữ phóng viên Ngọc Mẫn đến từ Đài Phát thanh và truyền hình Kon Tum không dấu được cảm xúc. Chị ôm chầm một chiến sĩ trẻ trên cầu cảng Lữ đoàn 171 trước khi chia tay về cao nguyên Kon Tum. “Quá xúc động. Đi tác nghiệp nhiều nơi, nhưng chưa lần nào xúc động như lần này. Nhà giàn DK1 mãi trường tồn vững chãi vì có các anh đang ngày đêm canh giữ. Xuân Kỷ Hợi các anh ấm lòng hơn. Cảm ơn Hải quân đã đưa chúng tôi đến nhà giàn DK1” - Ngọc Mẫn chia sẻ.
Lính nhà giàn chưa bao giờ nghỉ ngơi tay súng
Tháng 7 năm 2019, Tiểu đoàn DK1 sẽ kỷ niệm tròn 30 năm kể từ ngày thành lập. 30 năm qua, nhà giàn tồn tại với tư cách là những “cột mốc sống” canh thềm lục địa phía Nam. Có những sĩ quan đã làm nhiệm vụ 30 mùa giông bão ở nhà giàn, và họ được gọi với cái tên đặc biệt “sói biển”.
“Sói biển” số 1 là Trung tá Bùi Xuân Bổng, chỉ huy trưởng nhà giàn Phúc Tần. Anh Bồng là thế hệ sĩ quan có mặt đầu tiên khi nhà giàn DK1 thành lập tháng 7-1989, và anh cũng là người sống sót trở về sau cơn lốc tố đánh sập nhà giàn Phúc Tần 3 đêm ngày 4- 12-1990, cuốn xuống đêm đen 3 đồng đội là Chính trị viên Trung úy Nguyễn Hữu Quảng,y sĩ Lê Đức Là, chiến sĩ cơ điện Hồ Văn Hiền.
Phóng viên Thùy Dung, Phó Ban văn nghệ Đài Phát thanh Truyền hình Hà Giang xúc động ôm một chiến sĩ Hải quân ngay trên cầu cảng trước phút tạm biệt về “phố núi” Hà Giang, ảnh Mai Thắng |
Sau khi học Trường Sĩ quan Lục quân 1, anh Bổng về DK1 công tác. Trung tá Bổng đặt chân khắp 15 nhà giàn DK1 và ở đâu anh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 30 năm đi DK1, tài sản lớn nhất của anh là căn nhà cấp 4 ba buồng kiểu lính xây trên nền đất được đơn vị cấp năm 1994 song chưa có chủ quyền ở số 65 đường Đô Lương phường 11 Vũng Tàu. Thời gian ở nhà giàn nhiều hơn ở đất liền. Mỗi lần đi biển kéo dài 8-10 tháng, mọi việc ở hậu phương đều do chị Vân- vợ anh lo liệu. Con trai đã vào đại học, song anh cũng chẳng có thời gian nhiều để bố con gặp nhau. Gần 25 năm cưới nhau, nhưng vợ chồng chỉ gặp nhau mỗi lần anh Bổng nghỉ phép. Tuổi thanh xuân của anh dâng hiến nhà giàn DK1
Đoàn chúc Tết bắt tay các chiến sĩ trẻ trong buổi đón đoàn trở về, ảnh Mai Thắng |
Được xếp là “thế hệ thứ 2”, Trung tá Trương Văn Thủy, chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/10 cũng là một “sói biển” kỳ cựu có thâm niên 25 năm liên tục can trường bám nhà giàn. Quê Trung tá Thủy ở Tuyên Hóa Quảng Bình, anh chọn nhà giàn DK1 là quê hương thứ hai của đời lính biển. Cũng như Trung tá Bổng, thời gian ở nhà giàn nhiều hơn ở đất liền, vậy mà mỗi lần nghỉ phép về thăm vợ con ở quê, chưa “ấm chỗ” lại phải lên đường đi giàn thay cho đồng đội khác về bờ. Xuân Kỷ Hợi này, thêm một lần nữa Thủy đón tết ngoài “chân trời” Tổ quốc. “Mình thuộc thế hệ sĩ quan già ở nhà giàn DK1. Ngày Tết ai chẳng nhớ đất liền vợ, con, song vì nhiệm vụ phải chấp nhận. Gia đình tận ngoài Quảng Bình, 25 năm đi DK1, chỉ đón Tết với vợ con 2 lần. Mình nhường cho anh em có vợ con ở Vũng Tàu. Thông thường, sau mùa quân huấn luyện tháng 8 hằng năm, mình mới về thăm vợ con. Thời bình lặng im tiếng súng, nhưng lính nhà giàn chưa bao giờ nghỉ ngơi tay súng, nên mỗi khi Tết đến xuân về, mình ở lại cho đồng đội khác về bờ”, Trung tá Thủy chia sẻ.
Mai Thắng