Vì vậy, sau “cơn sốt” cộng với các yếu tố khác bất động sản lại rơi tự do không kiểm soát. Có thời điểm giá đất chỉ bằng 1/2 lúc cao điểm giao dịch bất động sản nhưng cũng không có người mua. Còn hiện nay thị trường có dấu hiệu rục rịch trở lại nhưng vẫn ở mức khiêm tốn… Anh Nguyễn Tuấn, ngụ ở Phan Thiết vào đầu năm 2022 mua mảnh đất thổ cư hơn 700 m2 ở xã Hàm Thắng giá 2,5 tỷ đồng. Lô đất vuông vức lại có đường bê tông đi qua khá đẹp. Sau khi mua xong khoảng tháng 8/2022 có người trả 3,2 tỷ đồng nhưng anh không bán, chờ giá nhích lên để kiếm thêm tiền lời. Anh Tuấn kể: Tôi dự định có ai trả lên 3,5 tỷ đồng là bán nhưng sau đó bất động sản bất ngờ “quay xe” không trở tay kịp. Thời điểm ấy tôi gọi cho người trả giá 3 tỷ đồng trước đây để bán nhưng họ ép xuống 2,6 tỷ đồng. Tôi phân vân chưa muốn bán, một tuần sau gọi bán thì khách lại ép xuống 2,3 tỷ đồng. Tiếc của tôi không bán nhưng “bán thì thương, vương thì nặng” để đến nay trả lãi ngân hàng đuối quá nên hôm 15/7 mới bán 1,8 tỷ đồng, lỗ nặng… Anh Đặng Văn Tuân, nhân viên một công ty bất động sản ở Phan Thiết cho biết: Trường hợp bán lỗ như anh Tuấn hiện nay rất nhiều, tình trạng này diễn ra từ cuối năm 2022 đến nay nhưng 100 người bán chỉ 3 người mua. Giới kinh doanh bất động sản hoặc các “đại gia” gần đây có đặt hàng công ty tôi mua đất “ngộp” (từ lóng chỉ người bán đất giá rẻ bởi bị áp lực tài chính, cần bán tháo để có tiền trang trải…). Theo anh Tuân, hiện nay giao dịch bất động sản đất nền vẫn trong thế “dè chừng”, nhiều người có tiền nhưng không dám đầu tư vào đất nền bởi sợ chôn vốn. Ngược lại ở phân khúc đất dự án với diện tích lớn thì thị trường đã rục rịch trở lại. Ở Bình Thuận, khu vực các huyện phía Nam tỉnh, khi tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đưa vào khai thác, một số công ty đã đặt hàng tìm kiếm các khu đất rộng từ 10 - 150 ha để lên kế hoạch xây dựng nhà máy hoặc xin chủ trương phát triển cụm công nghiệp. Vì vậy gần đây đã có một số giao dịch bất động sản thành công ở khu vực này...
Người dân đến gửi tiền tại Agribank.
Phân khúc thị trường bất động sản đất nền yên ắng nên nhiều người có tiền nhàn rỗi đã gửi vào ngân hàng. Từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành, mới nhất là giữa tháng 6 lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm. Lãi suất cấp vốn giảm từ 5%/năm xuống 4,5%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 3,5% xuống 3%...Theo đó các ngân hàng đã hạ lãi suất huy động theo để phù hợp với thị trường. Mặc dù lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm nhưng lượng khách hàng và lượng tiền gửi vào ngân hàng không giảm và có chiều hướng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Đến giữa tháng 7/2023, toàn tỉnh có nguồn vốn huy động đạt 54.852 tỷ đồng, tăng 4% so với cuối năm 2022 và tăng 14,29% so với cùng kỳ năm trước. Tiền gửi ngân hàng tăng có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng nhìn ở góc độ giữa đầu tư bất động sản và gửi ngân hàng vào thời điểm này với năm 2022 thì có sự khác biệt rất rõ ràng. Năm 2022 nhu cầu vay vốn cao hơn nhu cầu gửi tiền rất nhiều, nguồn cho vay thiếu hụt trầm trọng trong khi bất động sản khá sôi động. Còn hiện tại, mặc dù giá bất động sản đất nền giảm sâu nhưng rất ít người đầu tư. Thay vào đó là lựa chọn gửi ngân hàng và đây là kênh đầu tư an toàn tính đến thời điểm này...