Nâng tầm quan hệ giữa Việt Nam với Nga, Na Uy, Thụy Điển
Trang mới trong quan hệ Việt-Nga
Chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi hai nước đang tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 25 năm hai nước ký Hiệp ước về các nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị và hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2020. Các nhà lãnh đạo Nga và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều khẳng định về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, anh em thân thiết, thủy chung, sâu sắc giữa hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nga Medvedev. |
Trong chuyến đi này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nga Medvedev nhất trí phát huy kết quả của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, nhất trí thúc đẩy doanh nghiệp hai nước hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam và trên lãnh thổ Nga; thúc đẩy hợp tác khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, lao động, văn hóa, thể thao, du lịch, công nghiệp, dầu khí, năng lượng điện, lắp ráp đầu máy...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam ủng hộ các doanh nghiệp Nga tham gia vào các dự án giao thông đô thị và đường sắt tại Việt Nam, coi đây là hướng hợp tác triền vọng trong tương lai.
Thủ tướng Nga Medvedev thì cho biết: Chúng tôi cùng bàn đến một lĩnh vực có nhiều triển vọng, đó là lĩnh vực dược phẩm, ngành sản xuất dược phầm và các thiết bị y tế. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp các loại dược phẩm và thuốc cho thị trường Việt Nam với giá cả cạnh tranh. Chúng tôi đánh giá cao hiệu quả của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga. Năm ngoái tôi có dịp đến thăm Trung tâm rất đặc biệt này và đã trao những phần thưởng của Nhà nước Nga cho các cán bộ của Trung tâm Nhiệt đới. Một lĩnh vực quan trọng đó là hai nước cần tiếp tục mở rộng hợp tác trong lĩnh vực bệnh nhiệt đới, viễn thông liên lạc, vũ trụ.
Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy triển khai dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ hạt nhân tại Việt Nam. Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến đi, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, đánh giá: Vừa rồi dự án Trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân là một trong nhiều trọng tâm được ưu tiên trong hoạt động của lãnh đạo cấp cao giữa Nga và Việt Nam. Trực tiếp Tổng thống Putin và Thủ tướng Medvedev đã đề nghị Thủ tướng ta cùng nhau triển khai biên bản ghi nhớ kỳ này, là một trong những nội dung để cụ thể hóa yêu cầu của lãnh đạo cấp cao hai nước. Những nội dung đưa vào văn bản ký kết thì ngay sau đó, tôi và và lãnh đạo Tập đoàn Nhà nước về năng lượng nguyên tử bàn cụ thể hóa từng nội dung. Trên cơ sở đó, khi quay trở lại Việt Nam sẽ triển khai phối hợp với các bộ, ngành để báo cáo Thủ tướng.
Kết quả cụ thể quan trọng trong chuyến thăm, đó là hai Thủ tướng đã chứng kiến các cơ quan hai nước kết 14 văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực năng lượng hạt nhân, dầu khí, xây dựng, du lịch, tư pháp, hợp tác địa phương...
Chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực sự tạo ra một dấu ấn, một động lực thúc đẩy quan hệ kinh tế, chính trị giữa hai nước. Những tình cảm tốt đẹp giữa lãnh đạo hai nước luôn được thể hiện trong các bài phát biểu ở các sự kiện, trong đó có Lễ khai mạc Năm chéo Việt – Nga với sự tham dự của khoảng 700 đại biểu. Các đại biểu đã thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Quê hương tôi - Việt Nam” do các nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nhiều người Việt Nam vẫn giữ những kỷ niệm đẹp về đất nước, con người Nga với tấm lòng đôn hậu, bao dung, gần gũi, thân thiết. Thủ tướng Medvedev thì dùng từ “tuyệt vời” để đánh giá về sự kiện này và khẳng định, Liên bang Nga trân trọng gìn giữ lịch sử chung của hai nước và Thủ tướng Nga tin tưởng những “Năm chéo” sắp tới sẽ mở ra trang sáng mới trong lịch sử quan hệ hai nước.
Mở đầu chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Thủ tướng là thăm và làm việc tại Thành phố Saint Petesburg, “cái nôi” của Cách mạng Tháng Mười. Và Thủ tướng đã thăm các “địa chỉ đỏ” tại đây là Chiến hạm Rạng Đông, chiến hạm đã nổ phát súng vào Cung điện Mùa Đông, mở màn cho cuộc Cách mạng vô sản; thăm Cung điện mùa đông; thăm Toà thị chính - Cung điện Smolnyi, nơi Lãnh tụ vĩ đại Lenin đã từng làm việc trong những ngày đầu Cách mạng thành công. Tại Cung điện Smolnyi, Thủ tướng đã làm việc với Thống đốc Saint Petesburg...
Hợp tác thực chất về công nghệ và kinh tế biển với Na Uy
Trong bối cảnh quan hệ hợp tác hai nước tiến tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1971-2021), trong chuyến thăm này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, hội kiến Nhà Vua Harald đệ Ngũ, hội kiến Chủ tịch Quốc hội Tone Troen. Các nhà lãnh đạo hai nước nhất trí thúc đẩy sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) trong đó Na Uy là nước điều phối đàm phán; khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp hai nước tiếp tục thúc đẩy và mở rộng hợp tác đầu tư kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như năng lượng mặt trời, dịch vụ kỹ thuật dầu khí, kinh tế biển xanh, trong đó hai bên thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao chất lượng hải sản của nhau (cá tra Việt Nam, cá hồi Na Uy)…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Chủ tịch Quốc hội Na Uy - Tone Troen. |
Thủ tướng Na Uy, bà Erna Solberg nhấn mạnh: Tôi muốn thấy hợp tác kinh doanh được mở rộng trong lĩnh vực biển và hàng hải, năng lượng tái tạo và khí hóa lỏng tự nhiên. Chúng tôi cũng cam kết sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Na Uy. Tôi chúc mừng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về cam kết của Việt Nam trong việc kết hợp các mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược phát triển quốc gia của mình và những thành tựu trong giảm nghèo quốc gia. Để hiện thực hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững thì cần giữ đại dương khỏe mạnh và hiệu quả. Chúng tôi đã thảo luận để làm thế nào hai nước cùng làm việc cả song phương và đa phương đối với các thách thức toàn cầu này. Cả hai nước đều có bờ biển dài và tương lai phụ thuộc vào sự quản lý bền vững.
Hai Thủ tướng cũng nhất trí giao các Bộ ngành hai bên tăng cường trao đổi, mở rộng hợp tác song phương trong các lĩnh vực mới như liên quan đến phụ nữ, hòa bình và an ninh, giáo dục, du lịch, thể thao, văn hóa và giao lưu nhân dân.
Đánh giá về tiềm năng hợp tác với Na Uy sau chuyến thăm này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, nói: Chỉ đạo của Thủ tướng là khoa học công nghệ trong hợp tác với quốc tế thì thiết kế trọng tâm, trọng điểm. Đối với khu vực bán Scandinavie thì cả ba nước Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển đều thuộc tốp đầu thế giới về đổi mới sáng tạo dựa trên khoa học công nghệ. Đối với Na Uy và Thụy Điển lần này thì chính là một bước quan trọng để tăng cường thúc đẩy, kết nối giữa hai chính phủ, mà đặc biệt là kết nối giữa các viện nghiên cứu, trường Đại học với các doanh nghiệp về khả năng đổi mới sáng tạo gắn với công nghệ cao của bạn. Trong chuyến đi này chúng tôi cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt để phát huy tiềm năng này. Với Na Uy, chúng tôi thống nhất với Bộ Nghiên cứu và Giáo dục đại học để cùng nhau đồng tài trợ cho các hoạt động từ nghiên cứu đến kết hợp với doanh nghiệp theo những bài toán mà hai bên quan tâm.
Mối quan hệ từ trái tim đến trái tim
Có thể nói đây là chuyến thăm đặc biệt bởi diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và giữa Việt Nam và Thụy Điển. Tại các cuộc hội đàm với Thủ tướng Stefan Löfven, hội kiến Quốc vương Carl XVI Gustav, Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển, các nhà lãnh đạo hai nước luôn dành những tình cảm chân thành, nồng ấm cho nhau.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dùng từ “tấm gương sáng chói” để nói về Thụy Điển trong thể hiện tình đoàn kết vô tư, nhiệt thành với Việt Nam, nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, luôn đồng hành cùng Việt Nam qua những giai đoạn thăng trầm lịch sử. Nói đến đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của Việt Nam, Thủ tướng khẳng định, từ trái tim đến trái tim, nhân dân hai nước không bao giờ quên nhau, luôn nhớ nhau với sự chân thành, da diết và biết ơn các bạn Thụy Điển.
Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven thì nhấn mạnh, hai nước Việt Nam và Thụy Điển sẽ cùng nhau sánh bước trên chặng đường lớn lao sắp tới. Dẫn ra câu Kiều của Việt Nam: “Gian nan mới tỏ lòng người”, Thủ tướng Thụy Điển nhấn mạnh, toàn thể Chính phủ, người dân và doanh nghiệp Thụy Điển cùng mong muốn thắt chặt hơn nữa quan hệ với Việt Nam trong vòng 50 năm tới.
Ít có chuyến thăm chính thức nào mà cả Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội đều mở tiệc chiêu đãi Thủ tướng và Đoàn như Thụy Điển. Với nền tảng quan hệ chính trị gắn bó, tin cậy đó, trong chuyến thăm này, lãnh đạo hai nước nhất trí phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - EU (EVIPA). Thủ tướng Thụy Điển trao Ý định thư về tín dụng đầu tư hơn 2 tỷ USD vào Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển. Ảnh: TTXVN |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ Thụy Điển quan tâm, khuyến khích các doanh nghiệp Thụy Điển tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, hóa chất, điện tử, thông tin truyền thông, trồng rừng và khai thác chế biến gỗ bền vững, xử lý rác thải, dược phẩm, công nghiệp phụ trợ xe ô tô.
Từ kết quả chuyến thăm, cả hai Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Stefan Löfven đều khẳng định, quan hệ Việt Nam và Thụy Điển bước sang một trang mới tốt đẹp hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nói: Việt Nam luôn coi Thụy Điển là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình, và ngược lại Việt Nam được Thụy Điển xếp vào vị trí quan trọng bậc nhất ở khu vực Đông Nam Á. Các doanh nghiệp chính là những chủ thể, người tiên phong thực thi hợp tác hai nước. Thành công của hợp tác Việt Nam-Thụy Điển tùy thuộc rất nhiều vào sự hợp tác thành công của cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Từ lịch sử quan hệ có thể nói, từ trái tim đến trái tim chúng ta hiểu nhau, tin nhau, mở ra hướng đầu tư mới trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhất định các doanh nghiệp Thụy Điển và Việt Nam sẽ thành công, phát triển bền vững thời gian đến.
Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven thì kỳ vọng vào tiềm năng hợp tác hai nước sau chuyến thăm này: Tôi nhận thấy các doanh nghiệp Thụy Điển và Việt Nam đang đứng trước cơ hội hợp tác to lớn và thúc đẩy quan hệ đối tác trong tương lai. Ngành công nghiệp của Thụy Điển đã cho ra đời các giải pháp mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực then chốt để xây dựng được những thành phố thông minh và bền vững, bao gồm các giải pháp về giao thông công cộng, xe bus nhanh BRT, các giải pháp về lưới điện và năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin và viễn thông, giải pháp về 5G, giải pháp kết nối và kiểm soát không lưu, giải pháp xử lý rác thải, nước thải. Thụy Điển cũng hỗ trợ nhiều mảng lớn về công nghệ y tế. Việt Nam ngày nay đã trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu về các ngành công nghệ cao, điều đó mang lại cơ hội lớn cho các nhà cung cấp giải pháp tiên tiến của Thụy Điển.
Đánh giá về kết quả chuyến thăm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, cho rằng: Với Thụy Điển, nước có công nghệ tiên tiến, thế mạnh về chế tạo máy, hóa chất, viễn thông cũng như lĩnh vực về công nghệ cao về môi trường. Thụy Điển cũng là nước có quan hệ lâu dài, 50 năm với Việt Nam. Đây là dịp để ôn lại quá khứ, cảm ơn Chính phủ và nhân dân Thụy Điển giúp đỡ to lớn, hào hiệp, vô tư với Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện nay. Tình cảm của các nhà lãnh đạo Thụy Điển trong các cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất gần gũi, thể hiện tình cảm son sắc thủy chung, thể hiện qua độ tin cậy chính trị rất cao. Đồng thời tiếp tục khẳng định ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc phát triển đất nước hiện nay. Hiện nay hai nước bước sang một giai đoạn mới là từ hợp tác phát triển sang hợp tác cùng có lợi, đồng thời cùng mong muốn doanh nghiệp Thụy Điển thúc đẩy hợp tác làm ăn tại Việt Nam thời gian tới.
Chiến lược “đứng trên vai người khổng lồ”
Cũng như nhiều chuyến thăm khác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn dành thời gian cho hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư. Tất cả các diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam với các nước đều thu hút đông đảo các doanh nghiệp hai nước.
Tại Liên bang Nga, Thủ tướng dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt-Nga với sự tham dự của 250 doanh nghiệp. Trước kết quả hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước chưa tương xứng với tiềm năng, Thủ tướng đặt câu hỏi, tại sao doanh nghiệp Nga “chậm chân” trong một số dự án đầu tư vào Việt Nam? Tại sao doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Nga mới chỉ 3 tỷ USD và chủ yếu vào làm việc sản xuất sữa. Do đó, Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp hai nước thực hiện sứ mệnh thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại xứng đáng với quan hệ chính trị hai nước.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Na Uy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam là một đất nước thanh bình, ổn định, hội nhập sâu rộng với quốc tế đang chờ đón các doanh nghiệp Na Uy. Thủ tướng mong muốn có sự kết hợp “Made by Na Uy” về thiết kế, công nghệ mới và “Make in Việt Nam” sản xuất, thương mại tại Việt Nam. Thủ cũng đặt vấn đề, 1 triệu km2 biển, vịnh, sông của Việt Nam là tiềm năng lớn về nuôi trồng cho doanh nghiệp Việt Nam và Na Uy.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Thụy Điển, đích thân hai Thủ tướng hai nước dự và gợi mở cho doanh nghiệp hai nước nhiều làm việc hợp tác. Hai Thủ tướng đã cùng chứng kiến lễ ký kết một số văn kiện hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước.
Tháp tùng Thủ tướng trong chuyến đi, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam, cho rằng, chất lượng, giá trị gia tăng, trình độ công nghệ của doanh nghiệp Thụy Điển luôn thuộc nhóm đứng đầu thế giới. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện chiến lược kinh doanh là “đứng trên vai những người khổng lồ”, trên vai những tập đoàn lớn trên thế giới để kinh doanh:
“Hợp tác với doanh nghiệp hàng đầu Thụy Điển, nắm vững công nghệ mũi nhọn trong lĩnh vực này là cách rất tốt để các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường thế giới. Tôi hy vọng thời gian tới, không chỉ là đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài hay xuất khẩu theo cách truyền thống, mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu thông qua đầu tư vào chính các nước nhập khẩu. Đặc biệt là trong bối cảnh thế giới hiện nay, khi chiến tranh thương mại, những yêu cầu về sự cân bằng trong xuất, nhập khẩu giữa các thị trường cũng gợi ý các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm đến những phương thức đa dạng để mở rộng thị trường bền vững”: ông Lộc nói.
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các doanh nghiệp Việt Nam và mỗi nước đã có nhiều hoạt động hợp tác, đầu tư, trong đó, đáng chú ý là hãng dược hàng đầu Thụy Điển AstraZeneca công bố đầu tư 5.000 tỷ đồng (tương đương 220 triệu USD) vào Việt Nam trong giai đoạn 2020-2024; Công ty NutiFood (Việt Nam) có thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Backahill về việc chính thức vận hành nhà máy sữa mang tên NutiFood Sweden AB - một trong những dự án đầu tư có quy mô lớn nhất của Việt Nam tại Thụy Điển; Tập đoàn Scatec Solar (Na Uy) có thỏa thuận hợp tác đầu tư trị giá khoảng 500 triệu USD vào Việt Nam trong lĩnh vực điện mặt trời...
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng đã đến thăm hỏi, động viên cộng đồng người Việt tại Nga, Na Uy, Thụy Điển.
Có thể nói chuyến thăm chính thức ba nước Liên bang Nga, Na Uy, Thụy Điển của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thành công hết sức tốt đẹp. Chuyến thăm ba nước lần này cùng các chuyến thăm Romania, Séc gần đây cũng đã góp phần tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước EU, từ đó mở ra cơ hội hợp tác lớn trong thời gian tới.
Vũ Dũng/VOV