Sát cánh cùng người bệnh
Gần đến thời điểm giao thừa, tiếng còi xe cứu thương đưa một nam bệnh nhân trẻ tầm 30 tuổi từ Bắc Bình vào Khoa Cấp cứu của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận trong tình trạng hôn mê do tai nạn giao thông. Bác sĩ Ngô Văn Ba - Trưởng Khoa Cấp cứu cùng ê kíp nhanh chóng cho thở máy và các thao tác chuyên môn khác với chẩn đoán chấn thương - máu tụ ở màng cứng bán cầu trái. Tiên lượng khá nặng, bệnh nhân được chuyển gấp đến phòng mổ. Bác sĩ Ba nói: “Vậy là ca mổ này kéo dài từ năm cũ sang năm mới, xuyên giờ giao thừa".
Ca bệnh khác (gần 60 tuổi) từ Hàm Thuận Bắc được người nhà chuyển đến, trên người dính máu, màu da tái nhợt, bụng căng to do mắc bệnh sơ gan, xuất huyết tiêu hóa ở tĩnh mạch thực quản. Khi vừa tới bệnh viện, các y, bác sĩ phát hiện đồng tử giãn, nhưng vẫn tập trung cứu chữa cho thở máy, ép tim, đo điện tim… với hy vọng “còn nước còn tát”. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn không qua khỏi sự nguy kịch ấy. Nước mắt thân nhân người bệnh lăn dài trên gò má. Tiếp đó, tiếng xe cứu thương khác với đèn chớp phát sáng màu đỏ quay liên tục trên nóc xe đưa bệnh nhân đến. Trong vòng 20 phút, Khoa Cấp cứu tiếp nhận 10 ca bệnh. Ngay thời khắc giao thừa đồng hồ điểm 0 giờ, chúng tôi chứng kiến không khí làm việc của bác sĩ bận rộn với những bước chân nhanh. Người nhà thì ngồi chống cằm với ánh mắt buồn xa xăm, người thì đứng tựa vào tường khóc nấc xen kẽ tiếng rên rỉ của bệnh nhân do đau đớn, tiếng tít tít từ máy đo điện tim…
Cùng thời gian này, Khoa Cấp cứu của Bệnh viện An Phước cũng tiếp nhận không ít bệnh nhân. Ghi nhận một nam bệnh nhân 39 tuổi được người nhà đưa đến, trong tình trạng mệt, khó thở, mạch yếu… do mắc bệnh tim mạch và phổi. Sau khi cấp cứu ban đầu, bệnh nhân được đưa đến Khoa Chăm sóc đặc biệt để điều trị tiếp. Ngoài bệnh nhân này, trong khoa còn khá đông các bệnh nhân khác. Cường độ các y, bác sĩ làm việc khá khẩn trương, quên cả thời gian, quên cả không khí bên ngoài đang háo hức đón năm mới.
Theo bác sĩ Mai Văn Sắc (Khoa Cấp cứu ban đầu của Bệnh viện An Phước), trong vòng 24 tiếng từ ngày 30 tháng chạp đến mùng 1 tết, khoa cấp cứu thông thường tiếp nhận hơn 100 ca bệnh khác nhau do bệnh tật, tai nạn, sinh hoạt, đả thương… Nhìn chung, càng về những ngày cuối năm và trong dịp tết, lượng bệnh nhân đến Khoa Cấp cứu khá cao. Vì vậy, Ban Giám đốc luôn tăng cường y, bác sĩ vào những ngày trực tết để kịp thời chăm sóc bệnh nhân.
Nhìn chung, trong thời khắc đếm ngược thời gian đón giây phút năm mới, các bác sĩ, điều dưỡng ở Khoa Cấp cứu của các bệnh viện, trung tâm y tế phải tranh thủ từ giây, phút để giành sự sống cho từng bệnh nhân. Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh, so với cùng thời điểm năm 2022, tổng số bệnh nhân khám, cấp cứu, tai nạn trên toàn tỉnh từ 30 tháng chạp đến mùng 4 tết năm 2023 là 2.806 người, tăng 9,87%. Tổng số bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú là 1.764 người, giảm 38%. Các ca bệnh liên quan đến bệnh tật, tai nạn giao thông, tai nạn do đánh nhau, sinh hoạt hoặc quá trình lao động…
Vui buồn của công việc cấp cứu
Với gần 20 năm làm cấp cứu kể từ khi làm việc ở Trung tâm Y tế Hàm Thuận Nam cho đến khi chuyển về Bệnh viện đa khoa Bình Thuận, bác sĩ Ba cùng các đồng nghiệp có nhiều năm không đón giao thừa với gia đình. Người thân trong gia đình vẫn chia sẻ, động viên bác sĩ Ba. Bác sĩ Ba tiết lộ: Trong khoa có anh Thông Minh Sống và chị Võ Thị Kim Uyên là đôi vợ chồng trẻ cùng làm điều dưỡng chung khoa với thời gian 3 năm mà cả hai chưa cùng nhau đón giao thừa. Do đặc thù riêng của khoa, thêm vào đó con của họ còn nhỏ, khoa bố trí trực lệch ca, chồng vào trực, thì vợ ở nhà chăm con và ngược lại.
Còn bác sĩ Sắc (Khoa Cấp cứu ban đầu của Bệnh viện An Phước) làm cấp cứu 10 năm, thì có khoảng thời gian 6 năm cùng các đồng nghiệp không đón giao thừa với gia đình. Sau đêm trực, bác sĩ, điều dưỡng đều thấm mệt, chỉ mong được ngủ để lấy lại sức, tái tạo sức lao động.
Vào đêm giao thừa và những ngày nghỉ tết, khoa khám bệnh không làm việc. Bên cạnh những ca tai nạn, khoa cấp cứu tiếp nhận khá đông người bệnh với đủ các mặt bệnh. Vì vậy, bác sĩ và điều dưỡng khoa này chịu áp lực cao, làm việc trong tình trạng căng thẳng, khẩn trương hơn nhiều so với ngày thường. Bệnh nhân vào khoa đều được theo dõi, đánh giá mức độ nguy hiểm của bệnh tật như thế nào. Theo đó, ưu tiên điều trị cho bệnh nhân nặng trước. Còn bệnh nhân có vết xước ngoài da, có triệu chứng đau không khẩn cấp, không nghiêm trọng thì cần theo dõi thêm. Tuy nhiên, người nhà bệnh nhân phàn nàn: “Sao không quan tâm? Sao không điều trị ngay?”. Bác sĩ, điều dưỡng vừa cấp cứu bệnh nhân nặng vừa giải thích cho người nhà thông cảm. Thậm chí, có người say rượu vào khoa gây sự, chửi mắng, rượt đuổi y, bác sĩ. Thái độ, hành động không tốt như vậy khiến cho bác sĩ, điều dưỡng mất nhiều thời gian vô ích. Trong khi đó, bệnh nhân nặng cần thời gian “vàng” để được cứu sống thoát qua cơn nguy kịch. Đó là lời chia sẻ từ các bác sĩ của Khoa Cấp cứu các bệnh viện.
Theo bác sĩ Ba, những ngày cận tết, công nhân, sinh viên đi xe máy đường dài về miền Trung. Không may bị tai nạn giao thông, bệnh nhân được đưa vào bệnh viện ở trạng thái quá nặng, dẫn đến tử vong ở tuổi đời còn khá trẻ. Còn trong đêm giao thừa và những ngày trong tết, ngoài những ca cấp cứu do bệnh tật, tuổi tác, không ít người trẻ uống nhiều rượu bia không kiểm soát hành vi điều khiểu phương tiện giao thông gây tai nạn hoặc đánh nhau… dẫn đến tử vong. Đây là những chuyện đáng buồn nhất!
Không riêng gì bác sĩ Ba, bác sĩ Sắc mà nhiều y, bác sĩ khác đều mong muốn mọi người tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình, không chạy tốc độ quá nhanh, hạn chế rượu bia, không điều khiển phương tiên giao thông khi đã uống rượu bia… Điều đó sẽ làm số bệnh nhân do va chạm, do đánh nhau giảm bớt vào đêm giao thừa, những ngày nghỉ tết để các gia đình có cái tết trọn vẹn. Bác sĩ, điều dưỡng cũng giảm được áp lực công việc, giảm được tiếng gọi cấp cứu. Mùa xuân và niềm vui của nhân viên y tế không gì khác là cứu sống bệnh nhân thành công, thấy dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân có sự chuyển biến khả quan, thấy nụ cười bệnh nhân khi bình phục xuất viện.