Đồng chí Bí thư đề cập, năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, Bình Thuận đón nhận sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành Trung ương về thăm, làm việc, chỉ đạo, định hướng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai một số công trình, dự án quan trọng của tỉnh. Từ đó, mở ra thời cơ mới cho tỉnh, cho nhà đầu tư, doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Thêm vào đó hệ thống giao thông, đặc biệt là cao tốc được kết nối tạo thông tuyến là “cú hích” phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Bình Thuận luôn xác định là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, các cấp chính quyền từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn đã không ngừng đổi mới, sáng tạo hướng tới xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ. Với quan điểm “Lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm thước đo hiệu quả công việc hành chính”. Do vậy, tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, năng động, trách nhiệm. Cùng với đó, UBND tỉnh đã tăng cường kiểm tra công tác CCHC tại các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn từ đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, vướng mắc...
Nhờ vậy, trong 6 tháng đầu năm tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh đạt một số kết quả tích cực: Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng 7,76% (xếp thứ 11/63 địa phương). Du lịch có sự phục hồi và tăng trưởng, toàn tỉnh đón hơn 4,46 triệu lượt du khách, tăng 86,36%; doanh thu du lịch đạt 11.348 tỷ đồng, tăng 2,52 lần. Thu hút vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 18.504 tỷ đồng, tăng 10,01%... đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng GRDP trong 6 tháng.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận bên cạnh những điểm sáng, vẫn còn một số chỉ tiêu vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Tăng trưởng GRDP quý II sụt giảm so với quý I (GRDP tăng 9,86%, xếp thứ 2/63 địa phương); thu ngân sách nội địa tỉnh giảm 19,38% so cùng kỳ; tình trạng làm việc cầm chừng, đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức và một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được cải thiện; kết quả thực hiện 6 nghị quyết chuyên đề của tỉnh còn chậm. Tiến độ triển khai các công trình trọng điểm còn chậm có những vướng mắc chưa được tháo gỡ... Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh chưa có nhiều sáng kiến, giải pháp trong công tác CCHC; việc hướng dẫn, công khai minh bạch thủ tục hành chính chưa thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn còn thấp; tiến độ thực hiện số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều “điểm nghẽn, nút thắt”, một số sở, ngành, địa phương phản ứng chính sách còn chậm, một bộ phận cán bộ hành chính các cấp còn xử lý văn bản chậm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; từ đó làm ảnh hưởng xử lý công việc hành chính cho người dân, doanh nghiệp, tác động không tốt cho sự phát triển.
Về lâu dài, các sở, ngành, địa phương phải giúp người dân, doanh nghiệp thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi thực hiện các dịch vụ hành chính công từ trực tiếp sang trực tuyến. Phấn đấu nhiều hơn nữa trong thủ tục hồ sơ tiếp nhận phải được xử lý, cập nhật trạng thái trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành với Cổng Dịch vụ công quốc gia và tỉnh, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.
Hiện nay, Bình Thuận đang đứng trước cơ hội phát triển tuy nhiên cần có sự nỗ lực, quyết tâm cao và cố gắng nhiều hơn nữa để tăng tốc đạt mục tiêu đề ra. Bí thư Tỉnh ủy đề cập: “Trước hết, các cấp, ngành, địa phương tập trung giải quyết các công việc tồn đọng, tháo gỡ vướng mắc, khắc phục tình trạng “sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, làm việc cầm chừng, làm cho qua, cho xong nhưng không chú ý đến chất lượng”. Các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tăng cường đối thoại, kịp thời giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, người dân, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, đất đai... phải xem người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, phải đặt mình vào vị trí của người dân, doanh nghiệp để thấu hiểu, chia sẻ và từ đó thực hiện tốt hơn chức trách nhiệm vụ của mình. Mỗi cán bộ, nhất là người đứng đầu cần ráng thêm một chút, nỗ lực cố gắng hơn nữa trong công việc để việc chung được trôi chảy hơn, tốt hơn”. Và tiến tới “cần xây dựng hình ảnh chính quyền năng động, thân thiện; chuyển từ tư duy “cho phép” sang tư duy “phục vụ”, chuyển mạnh từ “tháo gỡ khó khăn” sang “tạo thuận lợi” cho doanh nghiệp, người dân, phải luôn coi thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư, sự hài lòng của người dân chính là thành công của tỉnh.
Hài lòng với kết quả tích cực đạt được, nhưng theo Bí thư Tỉnh ủy, Bình Thuận nhận thức được rằng phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải phấn đấu nhiều hơn nữa, cùng chung sức, đồng lòng để chuyển hóa những thách thức, khó khăn thành cơ hội phát triển; tiếp tục lan tỏa tinh thần “đồng hành cùng doanh nghiệp” và “sự hài lòng của người dân” để đáp ứng kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp. Bí thư cũng gửi lời cảm ơn đến cán bộ, công chức, viên chức tỉnh nhà đã cùng chung khát vọng, cùng nỗ lực để tạo ra những chuyển biến tích cực trong hoạt động của bộ máy hành chính, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của quê hương Bình Thuận.
Thành quả từ sự cầu thị, nỗ lực và đổi mới không ngừng trong việc xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, phục vụ của các cấp, ngành, địa phương tỉnh Bình Thuận trong thời gian qua được thể hiện rõ nét, khách quan nhất qua sự ghi nhận của người dân, cộng đồng doanh nghiệp đối với các cấp chính quyền, bộ máy điều hành của tỉnh. Điều đó càng khẳng định, chính quyền thực sự đổi mới vì dân, vì doanh nghiệp để vì sự phát triển chung, đưa Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển bền vững.