Trẻ ăn xin (ảnh minh họa). |
Người Việt Nam vốn có truyền thống thương người, nhất là đối với người già, trẻ nhỏ. Thương cảm, chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình là đạo lý tốt đẹp, thể hiện tình người với nhau trong xã hội. Đạo lý ấy dễ thấy rõ hơn khi mỗi độ tết đến xuân về. Chúng ta thường nói với nhau “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Đọc bài viết của X.T, tôi cũng xót xa. Có người từng khuyên tôi không nên cho tiền người ăn xin để tránh lòng tốt bị lợi dụng. Không cho tiền người ăn xin cũng là biện pháp góp phần hạn chế tình trạng chăn dắt người già, người tàn tật, trẻ nhỏ ăn xin.
Được biết, UBND TP. Hồ Chí Minh từng khuyến nghị không nên cho tiền người ăn xin. Chính quyền TP. Hồ Chí Minh cũng khuyến nghị việc giúp đỡ người ăn xin nên thông qua các tổ chức chính trị - xã hội cũng như một số tổ chức từ thiện nhằm bảo đảm văn minh, mỹ quan đô thị, ổn định tình hình trật tự trị an của địa phương. Mới đây, thị xã Sa Pa (Lào Cai) đã phát đi thông báo kêu gọi khách du lịch không mua hàng rong của trẻ em. Theo lý giải của ông Vương Trinh Quốc - Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa, giữa thời tiết 3 độ C, các cháu phải đi bán hàng, nhìn rất đáng thương. Khi du khách động lòng trắc ẩn, còn mua hàng, còn cho tiền thì phụ huynh sẽ còn cho con em họ đi bán hàng. “Chúng tôi hy vọng du khách ủng hộ chủ trương, đồng lòng không mua hàng, không cho tiền trẻ em. Các cháu còn quá nhỏ, các cháu có quyền được học hành, được vui chơi”, ông Quốc nói.
Công bằng mà nói, nơi nào cũng có lý do chính đáng cho việc làm của mình. Việc cho tiền trẻ ăn xin, người lang thang cũng hiện hữu 2 mặt: tốt và không tốt. Điều tốt đẹp là kịp thời giúp người có hoàn cảnh khó khăn vượt qua khắc nghiệt hiện tại, động viên họ sống tích cực; duy trì lòng nhân ái, sự bao dung. Mặt không tốt là một số đối tượng lợi dụng lòng nhân ái của người khác để trục lợi, giả vờ bệnh tật để cầu xin sự thương xót, mà bản chất đó là hành vi lừa đảo.
Có thể thấy, giá trị nhân văn, điều tốt đẹp và những điều chưa đẹp vẫn tồn tại đan xen. Dưới góc độ cá nhân, tôi cho rằng với trường hợp khó khăn nên kịp thời giúp đỡ họ bằng tấm lòng thành. Mỗi người trong chúng ta cũng nên chủ động phối hợp với chính quyền cấp xã, các hội, đoàn thể địa phương xác minh, giúp đỡ người khó khăn bằng hình thức phù hợp. Song song đó, các cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh ngay, xử lý nghiêm, công khai những đối tượng có hành vi chăn dắt. Với những người xem ăn xin là một “nghề”, chính quyền địa phương phải tích cực vận động để họ bỏ “nghề”, đồng thời tạo việc làm phù hợp để họ ổn định cuộc sống mới.
LÊ PHÚC