Theo dõi trên

Cô - trò cùng sẻ chia và yêu thương

08/12/2023, 05:24

Trên trang mạng xã hội, một PGS. TS - cô giáo giảng dạy nghề báo, ngày đầu tháng và tháng cuối năm, 1/12/2023 đã viết, nguyên văn như sau: “Có những học trò như thế. “Nó” - thường gọi những học trò nhỏ tuổi theo kiểu thân thiết thế - là học trò mình nhận hướng dẫn luận văn thạc sĩ báo chí. Từ lúc nhận lời đến lúc kết thúc, chỉ gặp mặt đôi lần, hầu như là trao đổi qua email, điện thoại, tin nhắn!

Suốt thời gian hướng dẫn chính thức, rồi gia hạn lần 1, gia hạn lần 2… cho đến khi hết hạn, mình luôn là người chủ động tìm nó, nhắn tin không được, thì gọi điện! Nó hứa hết lần này đến lần khác gửi luận văn mà không thấy! Có hôm, nó bảo là đến, rồi lại cho mình leo cây! Có lúc, nó bảo đã đến mua hồ sơ để bảo vệ, rồi để mình chờ mãi! Mình lại nhắn tin động viên và chờ đợi…!!! Mình có nhiều hơn một học trò hướng dẫn như thế, nên cũng thành quen! Mình cũng hiểu, học trò làm nghề báo, nhiều lo toan nên có giận, rồi vẫn theo…

Kim đồng hồ vẫn quay đều không chờ đợi ai, còn rất ít thời gian nữa là xóa tên, nó xuất hiện, chìa ra một cuốn luận văn không thể nào tệ hơn và một bộ hồ sơ thiếu đủ thứ! Nó bảo nhờ cô giúp! Mình “tăng xông” thật sự! Nhưng rồi trong đầu lại nhẩm tính thời gian xem có kịp và làm thế nào giúp nó! Lúc ký hoàn thiện hồ sơ, vừa nhẹ người, vừa giận, vừa vội, nên cũng không cho nó cơ hội gặp lâu!. Công việc cuốn hút, cái đầu của mình cũng không nghĩ thêm nhiều!

Thế rồi, hôm nay (1/12/2023), khi nhận được tin nhắn, lặng người, nước mắt cứ thế chảy! Mình đâu biết, suốt thời gian qua, nó đã trải qua bao biến cố, đau khổ, bản thân phải chống chọi với bệnh tật, mẹ - điểm tựa cuộc đời - bị bệnh ung thư, người cha yêu quý đã mất… Trời ơi, thân hình nó bé nhỏ, mỏng manh, ánh mắt buồn rười rượi, sao mà thấy mình vô tâm như thế. Nước mắt của mình lại chảy, cứ trào ra, may mắn là mình đã giúp nó, nếu không giúp thì giờ đây, chắc sẽ hối hận đến hết đời!

Học trò ơi, đừng để cô phải rơi vào những cung bậc đau tim như thế nữa!”.

* * *

Lời bàn: Cuộc sống có nhiều gương sáng thầy cô biết sẻ chia, yêu thương học trò. Tại Bình Thuận, thầy giáo Nguyễn Như Diệp, Trường trung học cơ sở Lương Thế Vinh, huyện Đức Linh, Bình Thuận là một trong nhiều những gương sáng như thế, xây dựng môi trường sư phạm “Thầy cô hết lòng vì trò”.

Trở lại câu chuyện cô giáo hướng dẫn trò làm luận văn thạc sĩ báo chí tại Học viện Báo chí - Tuyên truyền, cảm động mà Út Mũi Né đã rơm rớm lệ yêu “nó”, sẻ chia về một tấm gương vượt khó để gặt hái thành công. Tin rằng, trên chặng đường dài phía trước gắn bó với nghề báo nhiều hiểm nguy và bao gian truân phải vượt qua, bản lĩnh cuộc đời “nó” sẽ vững chãi như cây tùng, cây bách, hứa hẹn thành công trên đường đời và sự nghiệp mà “nó” đã lựa chọn, dấn thân.

Cảm phục sự sẻ chia, yêu thương các trò của một nữ PGS. TS tại một trong những trung tâm đào tạo nghề báo hàng đầu Việt Nam. Bác Hồ dạy: Nhà giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Nhà giáo dạy nghề báo không là ngoại lệ. Nhân bao giờ cũng có quả cũng như quả bao giờ cũng từ nhân. Cuộc đời này biết bao cạm bẫy, thăng trầm và giông bão, nhiều thử thách nghiệt ngã, tình yêu thương con người, sự thông cảm và sẻ chia cần cho mọi lúc, mọi nơi, không chỉ riêng nghề giáo mà cho mọi ngành nghề khác trong xã hội.

Yêu thương, đồng hành, sẻ chia, thầy cô và các trò khi tâm sáng, chăm chỉ và kiên định mục tiêu, không trở ngại nào có thể cản bước, không khó khăn nào không vượt qua.                          

ÚT MŨI NÉ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đầu tư thiết bị cho trường tiểu học
Xã Hồng Sơn có hơn 13.500 nhân khẩu, với mật độ dân cư đông nên nhiều thôn có trường tiểu học. Hiện toàn xã có 4 trường tiểu học, hàng năm thu nhận hơn 1.000 học sinh.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cô - trò cùng sẻ chia và yêu thương