Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT (ngày 28/11/2023) về việc phê duyệt “Phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025” với nhiều thay đổi về số lượng môn thi đã tạo dư luận râm ran trong công chúng.

Bộ luôn đổi mới thi cử gợi nhớ lại kỳ thi từ năm học 2016 – 2017, cách ra đề và tổ chức thi quy định chung có 3 môn thi bắt buộc và 2 bài thi tổ hợp (3 môn tổ hợp khoa học tự nhiên và 3 môn tổ hợp khoa học xã hội), mỗi thí sinh làm bài kỳ thi THPT quốc gia gồm 6 môn. Hồi ấy cứ nghĩ bộ sáng tạo, nhưng sau đó anh bạn hiệu trưởng tặng tôi cuốn sách(1), mới phát hiện ra quý chuyên gia ở Bộ Giáo dục Việt Nam áp dụng toàn bộ hình thức ra đề thi của Bộ Giáo dục Trung Quốc đã tổ chức thi vào đại học từ năm 2011, gồm: 3 môn bắt buộc là ngữ văn, toán, tiếng Anh và 1 bài thi tổng hợp có 3 môn. Khối tự nhiên thi: Vật lý, hóa học, sinh học; khối xã hội thi: Chính trị, địa lý, lịch sử. Ở Việt Nam, đến năm 2017 (6 năm sau) thì rập khuôn y như vậy. Nhưng cách tính điểm xét tuyển ở Trung Quốc có hệ số khác ở Việt Nam: 3 môn bắt buộc điểm tối đa mỗi môn 150 điểm, bài môn tổng hợp 300 điểm. Như vậy điểm thi đại học tối đa của một thí sinh là 750 điểm(2). Cách tính điểm theo hệ số môn gợi tôi nhớ hồi thi tú tài trước năm 1975 theo chương trình phân ban. Hồi đó bọn tôi học môn nào thi môn đó, không giới hạn. Môn chính ban hệ số 5 của thang điểm 20. Như tôi học lớp 12 ban C, chính ban hồi đó là môn triết học, nếu bạn nào làm được điểm tối đa theo hệ số là 100 điểm. Môn sinh ngữ 1 là tiếng Anh hệ số 4, môn sử - địa hệ số 3, môn sinh ngữ 2 tiếng Pháp hệ số 2, các môn còn lại: toán, vật lý, hóa học, vạn vật (tức môn sinh học bây giờ), công dân hệ số 1. Tổng điểm tối đa của 1 thí sinh là 440.

thi.jpg
Ảnh minh họa.

Bây giờ Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, đến năm 2025 trở đi – tức còn 1 năm nữa, thí sinh chỉ làm bài thi có 4 môn. Trong đó thí sinh thi 2 môn bắt buộc là văn, toán và 2 môn tự chọn trong 9 môn còn lại: Ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. Phương thức thi làm bài trên giấy như cũ cho đến năm 2030. Giảm môn thi, điều đó làm cho học sinh lớp 12 phấn khởi bởi giảm rất nhiều áp lực ôn thi. Phụ huynh cũng khá đồng tình. Nhưng cũng không ít ý kiến trái chiều khi môn ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc, họ cho rằng, thời đại trí tuệ nhân tạo AI, đòi hỏi đào tạo thế hệ học sinh thành người công dân có năng lực hội nhập toàn cầu buộc phải có trình độ ngoại ngữ và tin học.

Từ thực tế này, tôi có trao đổi với một số thầy hiệu trưởng, thấy có 2 vấn đề đặt ra: Thứ nhất, với hình thức thi 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn trong các môn còn lại sẽ gặp rất nhiều phức tạp trong xếp lịch thi cho thí sinh. Ví dụ, mỗi học sinh có quyền tự chọn 2 môn thi, điều đó có thể diễn ra cả trăm phương án với nhu cầu của học sinh. Tổ chức một kỳ thi như thế việc bố trí phòng thi, lịch các buổi thi theo từng môn… là một quy trình diễn biến khá phức tạp cho các hội đồng thi. Không biết bộ đã lường trước để có phương án hay chưa. Thứ hai, với môn ngoại ngữ, học sinh nào yêu thích và có năng lực thì tự xác định môn học từ các lớp dưới để đến lớp cuối cấp có đủ năng lực tự chọn môn thi. Bởi môn học này đáp ứng 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết còn phụ thuộc nhiều yếu tố, từ cơ sở vật chất dạy học đến đội ngũ giáo viên, năng lực học sinh không phải đồng đều giữa các vùng miền. Hơn nữa, việc học trong thời đại thông tin tốc độ phát triển choáng ngợp với sự đột phá về công nghệ ứng dụng AI không thể yêu cầu học sinh phải học dàn đều, môn nào cũng yêu cầu cao. Điều đó cũng cần xem lại việc xếp loại học lực trong học bạ. Quan trọng là hướng dẫn học sinh và bản thân học sinh phải tự biết năng lực của chính mình chọn môn học để phát huy. Thời đại công nghệ AI với sự xử lý thông tin của Chat GPT, sẽ là cuộc cạnh tranh khốc liệt của mỗi công dân toàn cầu với robot trang bị AI siêu thông minh, nếu không giỏi chuyên môn một nghề, sẽ bị loại, rơi vào thất nghiệp. Thời gian sẽ không còn xa nữa với thực trạng này khi bước vào đời hành nghề ở thập niên 30 của thế kỷ 21.

Để giáo dục và đào tạo được một thế hệ công dân trong giai đoạn hiện nay và tương lai như vậy quả là một gánh nặng vô cùng đặt lên vai thầy cô giáo. Phụ huynh cũng cần nhận ra khi theo dõi việc học của con mình như thế sau này sẽ làm được gì, chứ không nên luôn quan trọng việc con mình học tập được xếp loại gì!

(1): Doãn Kiến Lợi, “Người mẹ tốt hơn người thầy tốt”, Trần Quỳnh Hương dịch, Nhà xuất bản Văn học, 2019; (2): Trang 594 – sách đã dẫn.

VÕ NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Cuộc thi hùng biện tiếng Anh - sân chơi bổ ích cho học sinh các cấp
Cuộc thi hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh không chỉ đẩy mạnh việc học tiếng Anh trong nhà trường mà còn tạo sân chơi bổ ích giúp học sinh phát triển các kỹ năng, tự tin khẳng định mình và thêm yêu thích, say mê học tốt tiếng Anh.
Nổi bật
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1/5/1904 – 1/5/2024): Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng
Đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta sinh ngày 1/5/1904 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Dù đồng chí hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Đảng và Nhân dân ta luôn nhớ tới đồng chí, nhớ tới những đóng góp to lớn của đồng chí với sự nghiệp cách mạng, nhớ tới người Cộng sản bất khuất, kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của Đảng và Nhân dân.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học và thi