Theo dõi trên

Coi chừng phạm pháp từ tiền "trên trời rơi xuống"

13/06/2024, 05:16

Không ít người còn cho rằng việc bỗng dưng có được khoản tiền chuyển nhầm tới tài khoản nên đinh ninh là của mình, mà không biết rằng nếu chiếm dụng và không trả lại cho người chuyển nhầm là hành vi vi phạm pháp luật.

Bỗng dưng… có tiền

Cách đây chưa lâu trên địa bàn xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc xảy ra câu chuyện “dở khóc, dở cười” liên quan đến câu chuyện chuyển tiền nhầm. Anh V một chủ tiệm điện thoại kiêm dịch vụ chuyển tiền trong khi thực hiện giao dịch cho khách hàng đã chuyển nhầm cho một chủ tài khoản tên T ở phường Mũi Né, TP. Phan Thiết. V sau đó đã liên hệ với ngân hàng để tìm chủ tài khoản bị chuyển nhầm, nhưng T từ chối chuyển trả lại tiền. Về phần mình, có được khoản tiền từ “trên trời rơi xuống” T tưởng ngon ăn liền đi vào TP. Phan Thiết “tậu” cho mình một chiếc xe Honda SH mới cáu. Về phía V sau khi yêu cầu trả lại tiền nhưng không được đã tìm hiểu quy định của pháp luật để đến gặp T dọa báo công an giải quyết. Cuối cùng T phải bán lỗ lại chiếc SH và vay mượn để trả lại số tiền 100 triệu đồng trước đó V chuyển nhầm.

z5530552455176_b99559fbf1fdb6e19ebdd801da0c4991(1).jpg
Anh Trần Hữu Luân được hoan nghênh khi trả lại tiền chuyển nhầm.

Nói về chiếm đoạt tiền chuyển nhằm, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và cả nước đã xảy ra không ít vụ việc. Dù báo chí truyền thông phản ánh, tuyên truyền khá nhiều, nhưng không ít người vẫn không nắm bắt, nảy lòng tham, cho rằng tiền trong tài khoản mình là của mình.

Hồi cuối tháng 3 năm nay, Cơ quan CSĐT Công an TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã bắt tạm giam NTSE (SN 1981, quê Hà Nội) về tội Chiếm giữ trái phép tài sản là điển hình.Theo điều tra, anh K do không cẩn thận nên chuyển nhầm đến tài khoản của E số tiền 300 triệu đồng. Ngay sau đó, anh K đã chuyển thêm các khoản nhỏ, ghi chú xin được nhận lại tiền, đồng thời liên hệ ngân hàng làm việc với E. Tuy nhiên, E không hợp tác và không trả lại tiền cho anh K. Không còn cách nào khác, anh K đã trình báo công an. Mặc dù Cơ quan CSĐT đã trực tiếp làm việc với E, giải thích, vận động chuyển trả lại số tiền trên, nhưng E vẫn không chịu, đồng thời tự ý bỏ về khi đang làm việc. Căn cứ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, Công an TP. Dĩ An đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam.

Trả lại là… nghĩa vụ

Việc nhận tiền chuyển nhầm không phải ai cũng nảy lòng tham với khoản tiền từ trên trời rơi xuống. Hồi cuối tháng 3/2024 mạng xã hội đã không ngớt lời khen ngợi anh Trần Hữu Luân (ngụ thôn 3, xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc) vì hành động đáng hoan nghênh của anh. Số là một ngày đẹp trời, khi vừa đi làm về, tài khoản anh Luân bỗng dưng nhận tin báo có 90 triệu đồng tiền chuyển khoản. Tuy nhiên khác với các trường hợp trên, nghĩ có người chuyển nhầm nên anh đã chủ động đến Công an xã báo sự việc. Qua xác minh của Công an xã, đến 14 giờ 30 phút ngày 1/4/2024, anh Luân đã liên hệ và chuyển trả số tiền này cho chủ sở hữu.

Liên quan đến vấn đề này, pháp luật cũng quy định khá rõ để bảo vệ tài sản cho người chẳng may bị chuyển nhầm tiền. Theo quy định khi một người nhận được tiền do người khác chuyển nhầm vào tài khoản của mình (được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật, làm cho người khác bị thiệt hại) thì người đó phải có nghĩa vụ hoàn trả lại toàn bộ số tiền đó theo quy định tại Điều 579, 580 Bộ luật Dân sự 2015. Trường hợp không biết thông tin người chuyển nhầm tiền thì phải giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Việc không trả lại số tiền chuyển nhầm, rút tiền để sử dụng bị coi là chiếm giữ tài sản của người khác và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể theo điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội: Nếu có hành vi sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác sẽ bị xử phạt hành chính từ 3 – 5 triệu đồng. Điểm b khoản 4 điều này cũng quy định người chiếm giữ buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi này. Còn theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội chiếm giữ trái phép tài sản nếu số tiền bị chiếm giữ trái phép từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu chiếm giữ tài sản từ 200.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Hiện nay khi giao dịch bằng tiền mặt đang dần thay thế bằng chuyển khoản, thì việc chuyển nhầm tiền xảy ra cũng không phải là ít. Do vậy mọi người dân cần nắm bắt các quy định pháp luật về vấn đề này, để có trách nhiệm trả lại khoản tiền vốn dĩ không phải là của mình.

P. SINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Làm gì để không bị lừa chuyển tiền qua mạng
Đã có nhiều người ở các tỉnh, thành bị lừa chuyển tiền bằng nhiều hình thức khác nhau trên không gian mạng, người ít thì vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, nhiều thì vài tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng. Vậy, làm gì để không bị lừa chuyển tiền qua mạng?
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Coi chừng phạm pháp từ tiền "trên trời rơi xuống"