Miệt mài công việc
Có mặt tại các phòng tư pháp, tiếp công dân và trả kết quả giải quyết hồ sơ ở các xã, phường, huyện, thị trấn chúng tôi mới thấu hiểu những khó khăn, vất vả của công chức tư pháp – hộ tịch. Người dân đến cải chính, bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc khá đông như phòng chờ khám bệnh ở các bệnh viện lớn. Cán bộ tư pháp – hộ tịch liền tay, luôn miệng trả hồ sơ, giải thích cho người dân. Chị K’Thị Nguyên - công chức tư pháp xã Đông Giang vừa nói chuyện với chúng tôi vừa kiểm tra hồ sơ của người dân mang đến. Chị nói: Những ngày này làm việc không có thời gian nghỉ. Buổi trưa về ăn vội chén cơm lại đi ngay, buổi chiều về trễ, mọi việc nhà giao hết cho chồng con lo giúp.
Không chỉ chị Nguyên, K’Văn Vẳng, K’Thị Phức công chức tư pháp - hộ tịch ở La Dạ, Đông Tiến, cũng “vật lộn” với bao công việc như các đồng nghiệp khác ở xã, phường vùng xuôi. Ngoài việc phải định kỳ đến tận từng thôn, tổ để nắm bắt tình hình, hướng dẫn người dân thực hiện kịp thời một số lĩnh vực như: đăng ký hộ tịch, tư vấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật... còn giải quyết những vướng mắc của người dân trong làm thẻ CCCD.
Ông Võ Hoài Vũ - Chủ tịch UBND phường Phú Hài chia sẻ, 1 ngày chúng tôi giải quyết không biết bao nhiêu trường hợp làm thẻ CCCD không hợp lệ, bị trả về địa phương. Nhiều nhất là các trường hợp hộ khẩu, CMND, giấy khai sinh (gọi chung là giấy tờ tùy thân) không có ngày, tháng, năm sinh hoặc không trùng khớp tên, ngày, tháng sinh giữa các giấy tờ với nhau; không có giấy khai sinh... Khi làm cho người dân đòi hỏi phải chính xác, vì có liên quan đến nhiều thứ như quyền thừa kế, chuyển nhượng đất đai sau này. Số liệu phải khớp nhau nếu không thì hệ thống dữ liệu từ chối, nên công chức tư pháp – hộ tịch làm việc miệt mài mới hoàn thành công việc.
Lực lượng mỏng
Với khối lượng công việc như vậy, nhưng hiện mỗi xã, phường, huyện, thị trấn chỉ có 2 - 3 cán bộ tư pháp - hộ tịch bao gồm cả trưởng, phó phòng. Điển hình ở các xã vùng cao có 2 người vừa làm công tác hộ tịch vừa làm công tác tuyên truyền. Ông K’Văn Vĩnh - cán bộ tư pháp xã Đông Giang cho biết, xã hiện có 2 cán bộ làm công tác tư pháp - hộ tịch gồm: Bản thân ông làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tham mưu cho UBND trong việc ra các quyết định quản lý nhà nước... còn chị Nguyên làm công tác hộ tịch, giải quyết vấn đề kết hôn, ly hôn; khai tử; nhận lại cha, mẹ, con; nhận nuôi con nuôi...
Phòng Tư pháp huyện Hàm Thuận Bắc hiện có 3 người, trong đó 1 người tạm nghỉ điều trị bệnh còn lại trưởng và phó phòng. “Phòng Tư pháp hiện còn 2 người làm, 1 ngày phải giải quyết 40 – 50 hồ sơ cho dân. Hồ sơ nào cũng phải làm ngay vì tính cấp bách của việc cấp thẻ CCCD, có khi 6 - 7 giờ tối mới về nhà...”, chị Trần Thị Tuyết Hồng, Phó trưởng Phòng Tư pháp huyện Hàm Thuận Bắc, phụ trách công tác hộ tịch chia sẻ.
Trao đổi với ông Đặng Văn Đào – Trưởng Phòng Nghiệp vụ 2 (Sở Tư pháp) về tình trạng sai sót thông tin nhiều trong giấy tờ tùy thân do “lịch sử” để lại, ảnh hưởng phần nào tiến độ làm thẻ CCCD. Ông Đào cho biết: Cán bộ tư pháp - hộ tịch ở các phường, xã hiện rất vất vả, “vật lộn” với công tác cải chính cũng như hỗ trợ người dân làm thẻ CCCD. Do trước kia công tác hộ tịch chưa chặt chẽ, người dân đến khai báo như thế nào thì ghi vậy.
Ninh Chinh