Các cuộc biểu tình ở Belarus đã bước sang ngày thứ 4 liên tiếp tại thủ đô Minsk và nhiều thành phố khác. Dù quy mô biểu tình đã giảm bớt so với cuối tuần qua song đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đã khiến 2 người thiệt mạng và ít nhất 200 người khác bị thương. Cảnh sát phải sử dụng đạn cao su và vòi rồng để giải tán những người biểu tình. Cho đến nay có khoảng 6.000 người biểu tình đã bị bắt giữ.
Lực lượng cảnh sát chống bạo động của Belarus đụng độ với người biểu tình ở Thủ đô Minsk. Nguồn: Getty Images |
Các cuộc biểu tình bùng phát tại Belarus sau khi kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Tổng thống được công bố, với chiến thắng áp đảo thuộc về Tổng thống đương nhiệm Alexander Lukashenko. Ứng cử viên đối lập, bà Svetlana Tikhanovskaya, đối thủ chính của ông Lukashenko chỉ nhận được 9,9% số phiếu bầu trong khi 3 ứng cử viên khác mỗi ứng cử viên giành được chưa tới 2% số phiếu ủng hộ. Ban đầu, ứng cử viên đối lập Tikhanovskaya cũng lên tiếng phản đối kết quả bầu cử song sau đó đã thừa nhận thất bại. Sau khi rời Belarus tới Litva vì lý do sức khỏe và gia đình, bà Tikhanovskaya đã kêu gọi người biểu tình tôn trọng luật pháp và không đụng độ với cảnh sát.
Về phần Chính phủ Belarus, trong bài phát biểu trên truyền hình hôm qua, Tổng thống Alexander Lukashenko đã nói rằng, các cuộc biểu tình tại Belarus là do những người có tiền án và thất nghiệp khuấy động gây ra. Ông cho biết, đảm bảo an ninh nhằm thiết lập lại trật từ là ưu tiên đối với Chính phủ Belarus vào lúc này.
“Xét trên tình hình hiện nay, phần việc quan trọng nhất đối với các cơ quan Chính phủ là đảm bảo an ninh cho toàn thể người dân, bảo vệ hiến pháp nhằm giúp đất nước vận hành hiệu quả”, Tổng thống Lukashenko nói.
Nhiều nước trên thế giới đã bày tỏ quan ngại về tình hình bạo lực tại Belarus. Một số nước phương Tây và Mỹ đã chỉ trích Chính phủ của Tổng thống Alexander Lukashenko sử dụng bạo lực đối với người biểu tình. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc trả lời phỏng vấn đài Phát thanh tự do châu Âu hôm qua thậm chí còn nói rằng, Mỹ đang cân nhắc khả năng dừng vận chuyển dầu tới Belarus và trừng phạt nước này. Về phía Liên minh châu Âu, Ngoại trưởng Thụy Điển cùng ngày cho biết, dự kiến ngày 14/8 các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu sẽ nhóm họp thảo luận giải pháp trừng phạt Belarus.
Trái với phản ứng của Mỹ và một số nước phương Tây, các quốc gia láng giềng như Litva, Latvia và Ba Lan đã lên tiếng kêu gọi người biểu tình tại Belarus kiềm chế. Người đứng đầu các nước này cho biết đang chuẩn bị các giải pháp hòa giải, hỗ trợ nhà chức trách Belarus chấm dứt bạo lực.
Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Litva Gitanas Nauseda nói: “Chúng tôi muốn làm trung gian, hòa giải tình hình Belarus. Chúng tôi sẽ cố gắng liên lạc với các bên liên quan để đàm phán và quyết định xem liệu họ có sẵn sàng giải quyết xung đột hay không. Đây sẽ là đường hướng chúng tôi sử dụng nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Belarus, cố gắng giải quyết vấn đề theo cách ít gây ra tổn thất nhất.”
Một số nước khác như Trung Quốc, Kazakhstan, Uzbekistan, Moldova và Azerbaijan cũng bày tỏ ủng hộ Chính phủ Belarus và giải pháp hòa bình tại quốc gia này.
Hồng Nhung/VOV