Đồng chí Dương Văn An - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy - Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2021. Ảnh: Đ.Hòa |
Kết quả...
Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh giai đoạn 2015 – 2020 cho thấy, Bình Thuận đã thực hiện có hiệu quả Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc. Sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng địa phương được phát huy; gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc. Công tác quản lý nhà nước về quốc phòng – an ninh được tăng cường. Thường xuyên làm tốt công tác xây dựng lực lượng vũ trang đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, có cơ cấu hợp lý, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân; duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, phối hợp tham mưu cấp ủy, chính quyền kịp thời chỉ đạo xử lý có hiệu quả các tình huống phức tạp phát sinh. Làm tốt công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hàng năm, đảm bảo về số lượng, chất lượng; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức quốc phòng – an ninh; làm tốt công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên; huấn luyện lực lượng dân quân, tự vệ. Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội được tăng cường. Đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp đấu tranh kiềm chế các loại tội phạm, triệt phá nhiều băng, nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê có tính chất côn đồ, các đường dây mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các chất ma túy, các tụ điểm cờ bạc, mại dâm trá hình; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, nhất là các vụ án được dư luận xã hội quan tâm. Chủ động triển khai lực lượng, phương án bảo vệ an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm. Tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp; tập trung giải quyết ổn định các vụ việc người dân bị kích động tập trung đông người trái phép, gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản, chống người thi hành công vụ. Thường xuyên duy trì và thực hiện tốt công tác phối hợp giữa 3 lực lượng công an, quân sự, biên phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội”, chú ý vùng đồng bào tôn giáo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và tuyến ven biển, hải đảo. Đặc biệt, các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố khi xây dựng quy hoạch, xây dựng các dự án kinh tế - xã hội luôn kết hợp với quốc phòng - an ninh. Thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng và công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ; chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện; nâng cao chất lượng huấn luyện, rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy; bảo đảm công tác hậu cần kỹ thuật và chính sách hậu phương quân đội. Đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tỉnh tập trung nắm tình hình, quản lý chặt hoạt động của các cá nhân, tổ chức nước ngoài, nhất là số đối tượng nghi vấn đến hoạt động tại địa phương. Triển khai đồng bộ nhiều biện pháp đấu tranh kiềm chế các loại tội phạm nổi lên theo từng địa bàn, thời điểm…
Những vấn đề cần quan tâm…
Song dù đã có nhiều nỗ lực và quyết tâm, Bình Thuận vẫn còn những vấn đề cần thiết phải quan tâm, đó là: Công tác phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân đạt hiệu quả chưa cao; có lúc, có nơi còn biểu hiện chủ quan, mất cảnh giác đối với âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Công tác nắm, phân tích tình hình, quản lý địa bàn, quản lý đối tượng, xử lý tình huống có lúc, có nơi chưa tốt; để xảy ra vụ việc tập trung đông người trái phép, gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản, chống người thi hành công vụ trong các ngày 10 và 11/6/2018 gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương. Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội tuy đã được kiềm chế nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự có mặt còn sơ hở; chất lượng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” chưa đồng đều; vẫn còn biểu hiện chủ quan, mất cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch, phản động.
Phải chủ động và sẵn sàng…
Trong thời gian tới, yêu cầu đặt ra cho các cấp, các ngành, các địa phương là phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp, các ngành, của mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân đối với nhiệm vụ quốc phòng – an ninh. Trước hết là trong các chủ trương, chính sách phát triển của các ngành và các địa phương, phải khẩn trương xây dựng, hoàn thiện cơ chế phối kết hợp hoạt động bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Chủ động nắm bắt tình hình, dự báo chính xác để kịp thời đối phó với các tình huống, những vấn đề, vụ việc phức tạp nổi lên ngay từ đầu và từ cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ”. Trong mọi tình huống, bằng mọi biện pháp không để hình thành tổ chức chính trị đối lập, phát sinh “điểm nóng” về an ninh, trật tự. Tập trung đấu tranh với các loại tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm có tổ chức, tội phạm cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, “tín dụng đen”; tội phạm giết người, cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản; tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng. huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm các ngành, các địa phương, các tổ chức đoàn thể, phải gắn nhiệm vụ chuyên môn các đơn vị, địa phương với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Bảo Tín