Các nhà nghiên cứu cho biết, một loại bệnh cúm mới xảy ra khi virút cúm gia cầm tích luỹ biến đổi di truyền và trở nên lây truyền sang con người. Năm 2013, lần đầu tiên báo cáo ở Trung Quốc có trường hợp bị nhiễm dòng cúm H7N9. Hơn 1.500 người, trong đó nhiều người ở Trung Quốc nhiễm virút này, chủ yếu từ gia cầm.
Một nhóm nghiên cứu dẫn đầu là Giáo sư Yoshihiro Kawaoka thuộc Trường Đại học Tokyo, tiến hành thử nghiệm trên chồn. Nhóm cho biết, họ phát hiện virút này đi vào chồn qua những giọt li ti từ những con bị nhiễm bệnh.
Hình thức thử nghiệm, đặt 2 chiếc lồng chồn, một lồng với những con bị bệnh cúm và lồng khác với những con khoẻ mạnh, để cách nhau 7cm. 4 ngày sau các nhà nghiên cứu kiểm tra phát hiện chồn khoẻ mạnh bị nhiễm bệnh cúm. Họ cũng phát hiện, những giọt li ti chứa nhiều virút ở cách xa lồng chồn bị bệnh khoảng 80cm.
Những nghiên cứu trước đây cho rằng virút cúm gia cầm không có trong những giọt bắn của động vật bị nhiễm. Giáo sư Kawaoka cảnh báo, dòng H7N9 có khả năng gây ra dịch cúm toàn cầu.
Lê Ninh (theo NHK English)