Theo dõi trên

Đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề gắn xây dựng nông thôn mới

19/03/2020, 10:05

BT- Ngay từ đầu năm 2020, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã đẩy mạnh công tác tuyển sinh đào tạo nghề bằng các hình thức, giải pháp hợp lý. Trong đó, chú trọng mở rộng địa bàn tuyển sinh đến các huyện, xã miền núi và hải đảo để trực tiếp tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh…

                
Học viên thực hành tại Trường Cao đẳng Nghề    Bình Thuận.

 Trên 80% có việc làm

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (CSGDNN). Trong đó có 16 CSGDNN công lập và 8 CSGDNN ngoài công lập. Năm qua, đa số các CSGDNN khắc phục khó khăn, phát triển đa dạng các hình thức tuyển sinh và đào tạo như: đào tạo tại cơ sở; lưu động tại các thôn, xã, hợp tác xã… Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, chú trọng đào tạo nghề cho các đối tượng người tàn tật, người nghèo, dân tộc thiểu số, hộ bị thu hồi đất canh tác, lao động nữ… Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trên địa bàn tỉnh đăng ký tham gia học nghề để tìm kiếm việc làm trong các doanh nghiệp. Năm 2019, toàn tỉnh có 23 CSGDNN tham gia công tác tuyển sinh đào tạo nghề, tuyển mới trên 14.300/11.000 học viên, đạt 130,25% kế hoạch. Toàn tỉnh có trên 10.000 học sinh, sinh viên, học viên tốt nghiệp năm 2019. Trong công tác giải quyết việc làm sau tốt nghiệp, sự phối hợp giữa CSGDNN với các doanh nghiệp có chuyển biến tích cực để đào tạo gắn với địa chỉ sử dụng. Tỷ lệ có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt trên 80% với các nghề như: quản trị khách sạn, quản trị khu resort, dinh dưỡng và kỹ thuật nấu ăn, kỹ thuật chế biến món ăn, tiếng Anh, điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, may công nghiệp... Thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đã thu hút được nhiều lao động, khơi dậy tiềm năng, thúc đẩy sản xuất phát triển tạo nhiều việc làm mới trên các lĩnh vực.

Tuy nhiên theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, công tác tuyển sinh đào tạo nghề ở trình độ cao đẳng, trung cấp gặp nhiều khó khăn, kết quả thấp. Nhận thức về học nghề của người dân chưa đầy đủ, nhu cầu học nghề của người lao động còn quá ít, gây khó khăn cho công tác tuyển sinh và đào tạo. Tình trạng người học nghề tự ý bỏ học còn nhiều. Hơn thế, một số học viên tuy có tích cực tham gia học nghề nhưng việc nắm bắt kiến thức và áp dụng vào sản xuất, tìm kiếm việc làm rất hạn chế. Việc phân luồng và định hướng cho các em sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông tham gia học nghề đã triển khai nhưng việc đăng ký học nghề chưa nhiều, chưa hiệu quả. Ngoài ra, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người học nghề sau tốt nghiệp còn hạn chế nên các học viên chưa tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo hoặc học xong chưa có việc làm.

 Mở rộng địa bàn tuyển sinh

Ngay từ những tháng đầu năm 2020, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội     đã chủ động phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyển sinh đào tạo nghề đạt chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao ở các cấp trình độ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tư vấn học nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm, đặc biệt là trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua sinh hoạt của các tổ chức hội, đoàn thể. Đồng thời, phát huy vai trò chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể. Đẩy mạnh các cuộc vận động, kết hợp nhiều biện pháp, hình thức triển khai để huy động mọi nguồn lực cho công tác tuyển sinh đào tạo nghề. Đa dạng hóa hình thức, phương thức đào tạo và gắn với xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, sở sẽ tập trung đẩy mạnh tuyển sinh bằng các hình thức, giải pháp hợp lý. Trong đó, chú trọng mở rộng địa bàn tuyển sinh đến các huyện, xã miền núi và hải đảo để trực tiếp tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh. Đặc biệt là trong công tác phân luồng và định hướng đến đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS. Mặt khác, cùng với việc phối hợp giữa UBND cấp xã, các CSGDNN và các doanh nghiệp, đảm bảo cho người học nghề sau khi tốt nghiệp có được việc làm. Sở sẽ liên kết với các CSGDNN ngoài tỉnh, đảm bảo về trang thiết bị, giáo viên, giảng viên, chương trình, giáo trình để giảng dạy một số nghề mà các CSGDNN trên địa bàn tỉnh chưa đủ điều kiện. Đồng thời, tiếp tục phát huy hoạt động dịch vụ tư vấn giới thiệu việc làm để cung ứng lao động cho các tỉnh lân cận như: Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh.              

THU HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cử tri xã Phan Điền:
Kiến nghị các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số
BTO-Chiều 23/12, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Thuận ông Lê Quang Huy - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Nguyễn Hữu Thông, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi tiếp xúc cử tri tại xã Phan Điền (Bắc Bình), thông báo kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan, lãnh đạo huyện Bắc Bình và xã Phan Điền.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề gắn xây dựng nông thôn mới