Theo dõi trên

Dạ thưa cô!

22/11/2024, 05:41

(Kỷ niệm một thời thơ ấu cắp sách đến ngôi trường nằm sát mé biển thuộc ấp Cây Găng, xã Văn Mỹ, quận Hàm Tân (nay xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận).

- Dạ thưa cô, đi học cần phải có khai sinh, còn đi biển đánh cá có cần khai sinh không ạ?

  Nhớ lại những ngày xa xưa, thầy cô một thời đã dạy chúng tôi, bây giờ kẻ còn người mất. Những ông thầy, bà cô ngày ấy, nếu có người còn sống, chắc cũng đang lững thững đi về phía hoàng hôn! Còn chúng tôi, những đứa học trò thời dĩ vãng mù khơi ấy, cũng đang đi lần theo ánh mặt trời của buổi xế chiều!

co-giao.jpg

Thời gian đi qua sao mà nhanh quá, con người cũng mỗi ngày đi theo thời gian, dù chúng ta vô tình quên, không tính toán, nhưng nó vẫn âm thầm theo ta, và bỗng chốc một ngày, ta thấy tay chân bỗng dưng sao khẳng khiu, trong mình có ngọn gió trở trời xuất hiện, rồi “quên quên, nhớ nhớ”, rồi “bịnh đủ thứ xuất hiện”, rồi hỏi ông bác sĩ: Ủa, sao kỳ lạ vậy?

Nhớ lại những ngày đầu cắp sách đến trường, nay về già, bỗng dưng tôi thèm nghe và nói tiếng “Dạ thưa cô…”. “Dạ thưa cô”, ba tiếng ấy, nghe sao nó ngọt thanh tao, lan từng thớ thịt, dần tan trong ruột gan.

Vâng, “Dạ thưa cô”… ba tiếng ấy nghe sao mà trìu mến, thân thương, giống như một thứ men thương yêu xuất phát tự đáy lòng, đó là một thứ văn hóa của những đứa học trò mới tập viết, tập đọc, nhưng biết tôn sư trọng đạo của một thời cắp sách đến trường.

- “Dạ thưa cô”… hôm qua em nghỉ học vì má bắt ở nhà chụm lửa luộc nồi khoai lang.

- “Dạ thưa cô”… mai em xin nghỉ học, ở nhà phụ ba vá lưới.

- “Dạ thưa cô”… em không thuộc bài vì đêm qua nhà em không còn dầu lửa thắp đèn…

Đằng sau tiếng “Dạ thưa cô…” là những gì cô giáo không lường trước được, toàn là lý do “chính đáng” của lũ học trò tóc khét mùi nắng, đầu trần, chân đất, da mốc meo vì nước biển, quần áo “có gì mặc nấy” đến trường.

Phải, ngôi trường làng chỉ có một lớp học ở Cây Găng quê tôi (nay là xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam) nằm sát bờ biển. Phải dùng chữ “sát” vì trời biển động, nước lớn sóng đánh nước biển tràn tận sân trường. Đây là làng chài lưới, quanh năm mát rượi vì đám dừa còn sót lại, có những cây dừa mang thương tích từ kháng chiến chống Pháp. Dân làng biển hiền như con ruốc, con cá cơm, những ngôi nhà nằm kề nhau như dựa nhau, che chở cho nhau... Mùa bấc biển, gió thổi bay bay những hạt cát mù như sương, nên mi mắt đứa nào cũng cụp xuống, có cái nhìn ngắn. Đôi mắt ấy chỉ đôi lần thong thả khi đối diện với cô giáo:

- “Dạ thưa cô”…

Hồi tưởng lại, tôi không thể tin được một cô giáo dáng tiểu thư mới ra trường từ sư phạm Sài Gòn, lại chịu về đây, nhận dạy ở một ngôi trường làng mà đốt đuốc đi tìm cũng không thấy nhà vệ sinh (có nhà vệ sinh đâu mà tìm!). Cô giáo hỏi, không có nhà vệ sinh thì các em làm sao? Dạ thưa cô… “đi đồng”, “đi biển”… tìm chỗ vắng ạ!

- Còn người lớn?

- Dạ thưa cô… thì đợi “cho đến khi chiều xuống!”.

Ngày đầu nhập học, cô giáo thất kinh hồn vía trước một lũ học trò “to xác” mà chỉ học lớp 2, lớp 3.

- Dạ thưa cô… Đình chiến rồi, dân làng lốp ngốp kéo nhau về cái làng biển này, tụi em mới nhờ người lớn đi Phan Thiết làm giấy khai sinh, khai nhỏ tuổi để được đi học.

Cô giáo chỉ tay từng em để biết tên:

- Dạ thưa cô… em tên Đực, Mực, Bé, Rớt, Lượm, Xí, Mót…

Cô cười, đó là tên thường gọi, cô muốn biết tên trong khai sinh kìa, đi học phải có khai sinh.

- Dạ thưa cô… ba má em mê cải lương, nên đặt tên em là Trần Bạch Thu Hà. (có một thằng to xác, ngồi chót bàn nói: Còn em tên Võ Đông Sơ ạ! Cả lớp cười một phen nghiêng ngả).

- Dạ thưa cô… còn đi biển đánh cá có cần khai sinh không ạ?

Cả lớp ngồi im, chờ cô trả lời. Cô giáo lại một phen thất kinh với đám học trò khôn trước tuổi. Và cái làng chài nhỏ bé và hiu quạnh này, có lũ học trò ham cá hơn ham học, thấy cũng vui vui…

- Con người quả là rắc rối, sanh ra là đã “sinh” rồi, sao còn phải đi “khai” mới gọi là “khai sinh” sao kỳ cục vậy phải không?

-Dạ thưa cô?

TRẦN HỮU NGƯ


(0) Bình luận
Bài liên quan

Ấm áp chương trình nghệ thuật  “Hướng về cội nguồn”
BTO-Tối 20/11, trong không khí thi đua sôi nổi lập thành tích chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Bác Hồ dừng chân dạy học tại Phan Thiết (1910 – 2024), chào mừng kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), UBND thành phố Phan Thiết tổ chức chương trình ca nhạc “Hướng về cội nguồn”.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dạ thưa cô!