Theo dõi trên

Đặc sản của đại ngàn Phan Dũng

19/04/2019, 09:44

 BT- Hơn 10 ngày nữa mới đến dịp lễ 30/4 và 1/5, nhưng lúc này món heo rừng lai, heo đen ở Phan Dũng đã bắt đầu “nóng”. Ai cũng nhanh tay vì không muốn “lỡ vận” có món ngon vui cùng gia đình và bạn bè ngày lễ...

                
Cung đường đẹp Phan Dũng. Ảnh: Ngọc Lân

Chúng tôi trở lại Phan Dũng trong khi tiết trời chớm hạ, “say” lòng hơn với cảnh sắc núi non trên cung đường xuyên rừng đẹp nhất Việt Nam. Cuộc sống ở vùng cao vẫn còn rất gần với thiên nhiên, đất trời, có lẽ vậy nên đồng bào Rắc lay cũng thật thà, thân thiện.

Phan Dũng đang mùa du khách phượt khắp nơi đổ về vui đến lạ. Khách lạ, người quen cứ trò chuyện rôm rả thân tình, chẳng cần phải rào đón trước sau. Thấy khách, nhiều người đã cười vui “Bắt heo ăn lễ hả? Nhanh tay không là hết đấy…”. Bước chân tới đại ngàn, chúng tôi không chỉ vui vì cái xã nho nhỏ chưa tới 1.000 dân đã đủ đầy đường sá, công trình dân sinh, nhà cửa và phương tiện sinh hoạt… mà còn thấy “lạ” bởi nơi này quá nổi tiếng với đặc sản heo rừng lai, heo đen. Hỏi ra mới biết, nhà nuôi ít cũng năm bảy con, nhà nuôi nhiều thì có đến mấy chục con. Vui mắt nhất là mấy “ẻm” lợn rừng rủ nhau đi chơi, dẫn theo bầy con nhỏ nheo nhóc đủ màu sọc dưa, vằn vện, xám, đen. Có “ẻm” nằm ngáy khì khò vô tư dưới gốc cây rừng hay bên bờ suối mát. Có “mẹ bỉm sữa” nằm ễm bụng để bầu sữa căng tràn cho đàn con yêu dấu, rồi từng “đàn em bé” chạy nhảy, đùa giỡn tung tăng… trong cảnh sắc thiên nhiên rất đỗi yên bình. “Con heo rừng đã về ở với đồng bào mình từ xưa rồi đấy. Nó khỏe lắm, lúc đẻ thì lên núi, đẻ rồi dẫn con về thôi” - ông Mang Lá nói.

Từ rừng già về với con người, heo rừng lai vẫn giữ “bản gốc” nơi hoang dã, đẻ sai mỗi lứa từ 10 - 15 con, chịu được sự khắc nghiệt của tự nhiên, thường chạy trên núi, ăn được chất bổ dưỡng từ nguồn thức ăn lá cây, các loại hoa củ quả thuốc quý trên rừng nên thịt có hương vị thơm ngon, săn chắc gần như không có mỡ, da dày, giòn và giá trị dinh dưỡng mà thịt lợn rừng mang lại khá cao. 

                
Heo rừng lai - đặc sản của vùng cao Phan    Dũng.

Trong căn nhà nhỏ cạnh góc rừng, cầm trên tay cuốn sổ tay ghi chép tên khách đặt hàng, chị Nguyễn Thị Ớt, 35 tuổi cười bảo: “Mấy năm nay, “tiếng tăm” heo đen và heo rừng lai vang xa, khách du lịch khắp nơi đến đây họ luôn hỏi món đặc sản heo rừng”.  Theo chị Ớt, mỗi khi vào dịp Tết Nguyên đán hay các kỳ nghỉ lễ dài ngày thì khách gọi điện đặt hàng nhiều lắm. Thông thường, người ăn thịt heo rừng lai thích chọn heo có trọng lượng từ 10 - 20 kg, giá 100.000 đồng/kg hơi, khá “vừa ăn” đối với túi tiền của du khách. Là đầu mối trung gian, sau khi có khách gọi điện thoại, chị trực tiếp liên hệ đặt hàng với bà con dân tộc, đến ngày hẹn là khách đánh xe ô tô, xe máy lên Phan Dũng bắt heo về, còn các nhóm phượt thì “xử” ngay tại chỗ. Mấy năm nay, không chỉ các gia đình có điều kiện ở địa phương mỗi khi có việc liên hoan, hiếu hỷ lên tận đây mua, mà có cả khách từ TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Nha Trang… cũng gọi điện đặt hàng. Ngoài các sản vật như sâm rừng, măng, lúa rẫy... thì heo rừng lai là đặc sản, món quà quý ở xứ sở đại ngàn. Người dưới xuôi thường mua heo về chế biến thành nhiều món ăn cầu kỳ, lạ mắt như nướng ngũ vị, nướng mọi, xáo măng, giả cầy, hấp sả... để bồi bổ sức khỏe, còn khách du lịch đến không có thời gian thì đặt hàng chế biến đơn giản như luộc, hầm măng, nấu canh với rau rừng... cũng đầy  quyến rũ. Với đồng bào dân tộc, trên mâm cơm dâng lên thần linh, tổ tiên trong các dịp lễ hay các bữa đón khách quý “thăm” rượu cần, không thiếu món heo rừng lai. Khách ăn ai cũng gật gù trước đĩa thịt ít mỡ, da dày, nhiều nạc mang danh heo rừng. Chính cái sự ngon, lạ và hiếm này, nhiều “tay chơi” khắp các nơi đã tìm về Phan Dũng “săn” bằng được heo rừng lai về chiêu đãi người thân và bạn bè.

MINH CHIẾN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đặc sản của đại ngàn Phan Dũng