Sau hai ngày rưỡi Quốc hội chất vấn 4 Bộ trưởng và các thành viên Chính phủ, đại biểu Quốc hội đánh giá, các Bộ trưởng đã nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực và cam kết khắc phục để tạo ra một sự chuyển biến trong thời gian tới.
Các Bộ trưởng không né tránh những vấn đề khó
Đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) đánh giá các Bộ trưởng cũng như các thành viên Chính phủ tham gia chất vấn đều trả lời rõ, gọn, khá tập trung vào vấn đề được hỏi, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp. Mặc dù một số thành viên trả lời chưa gọn, giải pháp đưa ra cũng chưa cụ thể, song ông Thắng cho rằng điều đó khó tránh khỏi vì trong một thời gian nhất định, Bộ trưởng phải trả lời về nhiều vấn đề mà đại biểu, cử tri quan tâm.
Đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long). |
Bày tỏ sự hài lòng về cách điều hành linh hoạt, khoa học của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đại biểu đoàn Vĩnh Long cho rằng, người đứng đầu Quốc hội đã bám sát chương trình đề ra, cách phân bổ thời gian hợp lý, làm sao để đại biểu đặt câu hỏi được nhiều nhất và phần trả lời của các trưởng ngành cũng được đầy đủ nhất.
Cùng chung nhận định, Đại biểu Triệu Thế Hùng – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (đoàn Lâm Đồng) cho biết, phiên chất và trả lời chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp, cho nên những lời hứa, giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong ngành của các Bộ trưởng không chỉ được các đại biểu mà cử tri và nhân dân cả nước sẽ giám sát.
“Tôi tin rằng, những lời hứa, giải pháp đó sẽ trở thành hiện thực. Vì đây không chỉ là lời hứa trước các đại biểu Quốc hội mà còn trước gần trăm triệu người dân, cử tri cả nước. Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát tới cùng tất cả lời hứa đó, xem việc thực thi như thế nào”- đại biểu Hùng nói.
Đại biểu Triệu Thế Hùng (đoàn Lâm Đồng). |
Ông Triệu Thế Hùng đánh giá các Bộ trưởng đã nắm vững chính sách pháp luật. Song, theo ông, các trưởng ngành cũng cần nắm bắt thực tế đang diễn ra vì từ chính sách đến việc thực thi là cả một quãng rất rộng, mà có lúc, có nơi vẫn còn lúng túng.
Không thể để di sản văn hóa bị trục lợi
Quan tâm tới lĩnh vực văn hóa, du lịch, đại biểu Triệu Thế Hùng cho biết, đất nước ta có hơn 40.000 di sản văn hóa được Nhà nước quản lý, song thực tế có rất nhiều di tích do tư nhân quản lý để trục lợi từ những nguồn tiền thu xung quanh di tích này.
“Cần minh bạch nguồn tiền này, có nộp vào ngân sách hay không, nộp bao nhiêu?”- ông Triệu Thế Hùng nói và cho rằng cá nhân ông chưa thỏa mãn về phần trả lời của tư lệnh ngành Văn hóa trả lời rằng “chưa thấy tình trạng di tích văn hóa bị tư nhân trục lợi”.
“Chúng tôi có thể lấy ví dụ hàng trăm di tích bị tư nhân thu phí, không chỉ thu phí vào tham quan mà còn nhiều khoản như thu tiền giữ xe trái quy định và hàng loạt dịch vụ khác. Không có cơ quan quản lý nào cho phép tại một di tích có thể đặt tới hàng chục hòm công đức. Nguồn thu này nộp vào ngân sách Nhà nước là bao nhiêu?”- đại biểu đoàn Lâm Đồng đặt câu hỏi.
Chính sách pháp luật về quản lý, vận hành, bảo tồn di sản đã có, song thực thi trong thực tế còn nhiều vấn đề. Nhiều cử tri phản ánh tham quan di sản văn hóa (cấp quốc gia hoặc cấp quốc gia đặc biệt) phải mất rất nhiều khoản tiền mới vào được. Theo ông, di sản văn hóa được Nhà nước, thế giới công nhận thì đó là tài sản chung của cộng đồng và mọi người dân đều có quyền thụ hưởng, chứ không phải để trục lợi cho các cá nhân, chủ đầu tư nhân danh quản lý di sản đó.
Đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu). |
Bày tỏ hài lòng với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) cho biết, phát triển văn hóa không chỉ là câu chuyện nội tại của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà phải là có sự chung tay, có sự chỉ đạo, tạo điều kiện của Chính phủ và liên kết của nhiều bộ ngành.
Bản thân mỗi người trước hết phải tự xây dựng cho mình một phông văn hóa để trong môi trường, điều kiện phát triển thuận lợi, tự mỗi người càng củng cố và thể hiện nét văn hóa phù hợp.
Về ý kiến cho rằng các Bộ trưởng trả lời một số vấn đề còn chung chung, theo đại biểu đoàn Bạc Liêu, đây là điều có thể hiểu được. Theo ông, các vấn đề đại biểu nêu ra liên quan đến các lĩnh vực khác nhau, trong đó có những bất cập hiện nay mà Bộ trưởng không phụ trách. Ví dụ như du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp nên không thể chỉ Tư lệnh ngành này có thể trả lời rõ ràng vấn đề đại biểu nêu./.
Kim Anh/VOV