Theo đại biểu Linh, đặc thù biển Việt Nam rộng, nhiều khu vực chưa phân định rõ được lãnh hải, nội thủy; nhiều khu vực có đường biên giới biển cách xa bờ hơn 100 hải lý, đối với những vụ việc xảy ra trên biển thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều cơ quan, đơn vị… Do đó, cần quy định rõ về trách nhiệm phối hợp để nâng cao hiệu quả, góp phần bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn trên biển. Đồng thời Cảnh sát biển Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ mang tính đặc thù, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực. Do vậy cần phải có sự phối hợp thống nhất để tạo nên sức mạnh tổng hợp nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc, đây là vấn đề rất quan trọng, cấp thiết.
Vì vậy việc quy định cụ thể, chi tiết về phối hợp hoạt động trong dự thảo Luật là nhằm xác định làm rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị trong phối hợp, hiệp đồng xử lý kịp thời, hiệu quả các vấn đề trên biển. Theo đó, nên quy định rõ phạm vi, cụ thể nội dung, nguyên tắc và trách nhiệm phối hợp giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Xác định lực lượng chủ trì, lực lượng phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được pháp luật quy định. Đây là một bước tiến bộ so với quy định của pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam năm 2008. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng các văn bản dưới luật, ký kết các quy chế phối hợp giữa các lực lượng khác và Cảnh sát biển Việt Nam, đảm bảo tính khả thi và áp dụng của Luật trực tiếp vào thực tiễn.
Theo dự thảo luật, quy định Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 09 ngày 09/02/2007 về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Nghị quyết số 28 ngày 25/10/2013 về chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, định hướng xây dựng Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo.Tại Luật An ninh quốc gia năm 2004 quy định Cảnh sát biển là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia. Cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia là cơ quan chỉ đạo và chỉ huy đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân. Do vậy, Cảnh sát biển Việt Nam là một trong những cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
Cũng theo đại biểu Linh, thực tế 20 năm qua, quy định Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn giữ gìn, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn trên biển là không có vấn đề vướng mắc (tương tự như Công an nhân dân là lực lượng vũ trang giữ gìn, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên đất liền). Các hoạt động bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế và hoạt động hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng.
Với các căn cứ như trên, đại biểu Linh cho rằng, quy định như dự thảo Luật là đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng sử dụng lực lượng thực thi pháp luật trên biển để quản lý, bảo vệ biển, đảo của nhiều quốc gia trên thế giới. Việc quy định Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, được trang bị vũ trang, sử dụng vũ lực trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nhằm giữ gìn vùng biển ổn định, hòa bình là rất cần thiết, phù hợp với nhu cầu quản lý, bảo vệ biển, đảo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Đối với quy định đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam, đại biểu Linh cho rằng giáo dục, đào tạo cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới. Đồng thời nhằm thể chế Nghị quyết số 18, ngày 25/7/2017 của BCH TW Đảng khóa XII về “Kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu xây dưng lực lượng Quân sự, Công an theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Theo đó, Cảnh sát biển Việt Nam cần được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện hiện đại; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao trong tình hình mới.
Hiện nay, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được đào tạo tại Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển, nhưng nội dung, chương trình, quy mô và khả năng đào tạo của Trung tâm còn hạn chế. Do đó, Cảnh sát biển Việt Nam chưa chủ động trong việc xây dựng nguồn nhân lực; chất lượng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ thiếu đồng bộ, thiếu tính chuyên nghiệp, nhất là về trình độ, kiến thức, kỹ năng thực thi pháp luật và bản lĩnh chính trị, ứng phó, xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh trên biển; chưa đáp úng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam và tinh thần mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định Cảnh sát biển Việt Nam là một trong các lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.Vì vậy, để đảm bảo tốt nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, việc quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam là rất cần thiết và phù hợp.
Khắc Điều