Tham gia ý kiến đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 66 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận khẳng định: "Dự án đường Hồ Chí Minh là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 38 từ năm 2004. Tuy nhiên, để phù hợp với nguồn lực và thực tế triển khai, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 66 để điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh".
Qua 18 năm thực hiện 2 nghị quyết của Quốc hội, đến hết năm 2020, đã hoàn thành đưa vào khai thác khoảng 2.362/2.744km, đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh. ĐBQH Phạm Thị Hồng Yến cho rằng việc cơ bản hoàn thành tuyến đường Hồ Chí Minh đã tạo nên trục dọc đường bộ xuyên Việt thứ 2 ở khu vực phía Tây Tổ quốc cùng với quốc lộ 1 ở phía Đông tạo sự liên hệ chặt chẽ giữa 3 miền Bắc - Trung - Nam, góp phần phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội của cả nước; liên kết các khu đô thị, khu du lịch, khu công nghiệp.
Tuy nhiên, theo đại biểu Yến, tiến độ, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện vẫn còn một số bất cập. Đơn cử, trong 5 năm (2017 - 2021), dự án mới chỉ triển khai được khoảng 7% tổng khối lượng, không bảo đảm đúng tiến độ. Đến năm 2021 (quá 1 năm so với thời gian quy định tại Nghị quyết 66) mục tiêu thông toàn tuyến vẫn chưa hoàn thành. Do vậy, đại biểu Yến đề nghị cần làm rõ vướng mắc, khó khăn cũng như nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn tới việc chậm trễ (171 km vẫn chưa triển khai thực hiện). Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân liên quan để xử lý dứt điểm, đẩy mạnh tiến độ, sớm hoàn thiện toàn bộ dự án. Ngoài ra, đại biểu Yến cho rằng, công tác phối hợp, bàn giao mặt bằng của một số địa phương còn chậm; công tác quản lý quy hoạch, quản lý hành lang an toàn giao thông đường bộ chưa tốt, có tình trạng lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trong phạm vi an toàn gây nguy hiểm, mất an toàn giao thông…
Với mục tiêu tập trung triển khai nối thông toàn tuyến theo quy mô 2 làn xe, tiếp tục đầu tư các đoạn trên tuyến đường Hồ Chí Minh để khai thác tối đa tiềm năng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, hỗ trợ phát triển khu vực phía Tây, đại biểu Yến lưu ý về vấn đề ưu tiên trong việc phân bổ ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, theo khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 66/2013/QH13, Dự án đường Hồ Chí Minh được chuyển tiếp triển khai đầu tư sau năm 2020. Tuy nhiên, hiện nay chưa được bố trí đầy đủ vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 (đã được thông qua), trong khi đó nhiều dự án mới lại được đưa vào danh mục và bố trí vốn thực hiện, dẫn tới tình trạng kéo dài, dở dang và lãng phí. Do đó, đại biểu Yến đề nghị Chính phủ giải trình rõ lý do, đồng thời kiến nghị tiếp tục rà soát, cân đối, sắp xếp đủ nguồn lực, quyết tâm hoàn thành thông toàn tuyến trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Mặt khác, đại biểu Yến cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác giám sát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh; các đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh có đường Hồ Chí Minh đi qua mà đang triển khai thi công cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thực hiện tốt công tác quản lý hành lang an toàn giao thông đường bộ…