Độ che phủ chưa đồng đều
Tỉnh Bình Thuận trong những năm qua đã hướng đến thực hiện xã hội hóa hoạt động lâm nghiệp, khuyến khích, huy động các nguồn vốn từ phát triển rừng sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống người dân vùng nông thôn, miền núi, ổn định diện tích rừng, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai bền vững. Đặc biệt là, tỉnh rất chú trọng đến việc vừa phát triển kinh tế rừng, đồng thời tạo độ che phủ cao từ rừng. Trong quá trình phát triển và bảo vệ rừng, đến nay diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến đầu năm 2024 là 342.127,58 ha/794.260 ha, tỷ lệ che phủ đạt 43,08%. Ngoài ra, tổng diện tích rừng đã trồng chưa thành rừng của tỉnh đến thời điểm này 6.940,98 ha.
Tuy vậy, tỷ lệ che phủ mảng xanh hiện nay trên toàn tỉnh không đồng đều, phần lớn tập trung ở các huyện có nhiều rừng trồng và rừng tự nhiên như: Tánh Linh, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam. Những năm gần đây, tỷ lệ phủ xanh trên toàn tỉnh có tăng nhưng không đáng kể. Các vùng thiếu mảng xanh tập trung ở các địa phương ven biển, đô thị lớn, trong đó có những địa phương có tỷ lệ che phủ rất thấp đó là TP. Phan Thiết, huyện Phú Quý và thị xã La Gi. Nguyên nhân của mảnh xanh không đồng đều là do ảnh hưởng từ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất thuộc danh mục 3 loại rừng sang mục đích khác và đã chọn khu vực thay thế để trồng cây với mục tiêu không làm giảm tỷ lệ che phủ mảng xanh trên toàn địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh Bình Thuận luôn ở trong điều kiện khí hậu khô hạn, kéo theo đó là sự khó khăn vô vàn về nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu, người dân sinh sống chủ yếu sử dụng tài nguyên thiên nhiên sẵn có dẫn đến nguy cơ suy giảm về diện tích rừng tự nhiên. Bên cạnh đó những năm gần đây, diện tích rừng của tỉnh ngày càng giảm do chất lượng rừng suy thoái từ thiên nhiên và các nguyên nhân khác. Ngoài ra còn có nguyên nhân là diện tích rừng bị mất do người dân lấn chiếm làm rẫy, chuyển đất có rừng sang đất sản xuất, khai thác quá mức vượt khả năng phục hồi tự nhiên của rừng…
Tiếp tục trồng rừng để tạo mảng xanh
Để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có hiệu quả, trong những năm qua ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp cấp bách ngăn chặn tình trạng đốt phá rừng, khai thác rừng trái phép. Đồng thời phối hợp với các ngành, địa phương thường xuyên thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và xử lý những vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Đặc biệt là những năm qua, phong trào trồng cây, trồng rừng trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển, góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao thu nhập cho người dân. Chỉ tính trong từ đầu năm 2024 đến nay toàn tỉnh trồng mới 790 ha rừng. Hiện nay đang vào mùa mưa, các đơn vị chủ rừng tập trung gieo ươm, chăm sóc cây giống, chuẩn bị đất để triển khai trồng rừng, trồng cây phân tán khi điều kiện thời tiết thuận lợi. Trong năm 2024, toàn tỉnh giao khoán bảo vệ rừng chuyển tiếp 139.929,54 ha, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên thực hiện chuyển tiếp 1.729,64 ha.
Nhằm thực hiện được mục tiêu đề ra, tỉnh đã có những chủ trương giải pháp cụ thể tổ chức triển khai quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới. Theo đó, các ngành chức năng và các địa phương có biện pháp quản lý tốt diện tích rừng hiện có và thực hiện nghiêm các quy định cải tạo rừng, chủ động tăng cường huy động nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức cá nhân vào lĩnh vực sử dụng giá trị môi trường và cảnh quan của rừng. Đồng thời tăng cường các biện pháp phòng, chống phá rừng, cháy rừng, lấn chiếm đất rừng, có sự phân công, phối hợp tốt giữa lực lượng kiểm lâm, đơn vị chủ rừng, các hộ nhận khoán bảo vệ rừng, các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn. Bên cạnh đó nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ rừng cho nhân dân nhất là những khu vực trọng điểm...