Phát biểu tại Diễn đàn Doha, Qatar ngày 26/3, ông Josep Borrell, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu nói: “Điều đầu tiên cần làm là tránh để Iran trở thành cường quốc hạt nhân. Điều này đã hoạt động tốt cho đến khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump và bây giờ chúng tôi đang tiến rất gần đến một thỏa thuận và tôi hy vọng nó sẽ khả thi vì bây giờ chúng tôi đang thảo luận về các vấn đề tài sản thế chấp không liên quan đến cốt lõi của thỏa thuận hạt nhân. Vì vậy, tôi hy vọng, chúng tôi đang đi đến hồi kết về việc khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân”.
Trước đó, ngày 24/3, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Adollahian cũng cho biết, tất cả các bên tham gia đàm phán đã gần đạt được sự nhất trí để hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015, với tên gọi đầy đủ Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
“Chúng tôi gần đạt được thỏa thuận tại các cuộc đàm phán ở Vienna về chương trình hạt nhân. Chúng tôi đã đưa ra các đề xuất mới nhất của mình cho Mỹ thông qua Điều phối viên của Liên minh châu Âu nhằm đạt được thỏa thuận cuối cùng. Nếu Mỹ hành động thực dụng, chúng tôi sẵn sàng để ngoại trưởng của các nước thuộc ủy ban chung của thỏa thuận hạt nhân tập trung tại Vienna để hoàn tất thỏa thuận”, ông Adollahian nói.
Những tuyên bố của cả hai bên diễn ra trong bối cảnh những ngày gần đây các bên có nhiều động thái thúc đẩy "hồi sinh" thỏa thuận hạt nhân Iran mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Trong đó đáng chú ý là chuyến thăm Iran của điều phối viên của EU về các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran, ông Enrique Mora để gặp trưởng đoàn đàm phán của Iran Bagheri Kani. Theo ông Mora, chuyến thăm này của ông nhằm “thu hẹp khoảng cách cho các cuộc đàm phán tại Vienna” giữa Iran với Nhóm P5+1.
Bất chấp những tuyên bố lạc quan của Iran và EU, giới chức Mỹ vẫn tỏ ra thận trọng khi đánh giá về tiến triển của các cuộc đàm phán. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định, Mỹ vẫn theo đuổi những cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân Iran, nhưng sẽ cùng các đồng minh gia tăng sức ép đối với Iran nếu biện pháp ngoại giao thất bại.
Kể từ tháng 4/2021, đã có 8 vòng đàm phán được tổ chức tại Vienna (Áo) giữa Iran và các bên còn lại (Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức, còn Mỹ tham gia gián tiếp) nhằm cứu vãn thỏa thuận. Nếu việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran thành công sẽ đưa dầu thô của Iran trở lại thị trường năng lượng toàn cầu trong những tháng tới, giúp đối phó tình trạng bất ổn của thị trường và giá tăng đột biến sau khi phương Tây áp các biện pháp trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine./.