Hóa trang kiểm tra nồng độ cồn
Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) vừa ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển phương tiện giao thông, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và công nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”. Thời gian thực hiện kế hoạch từ tháng 3 -14/12/2023.
Theo đó, trên tuyến đường bộ các đơn vị CSGT được giao làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm căn cứ vào tình hình thực tiễn về lực lượng, phương tiện (có thể phối hợp lực lượng cảnh sát khác hoặc công an cơ sở) thành lập tổ chuyên đề để thực hiện việc xử lý vi phạm theo kế hoạch này trên tuyến, địa bàn được giao.
Đồng thời, thường xuyên thay đổi thời gian, phương thức hoạt động, công khai kết hợp với hóa trang khi kiểm soát nồng độ cồn gần khu vực nhà hàng, quán ăn, các điểm tổ chức sự kiện... trên các tuyến đường hoặc dừng kiểm soát tại những khu vực, tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là các địa bàn giáp ranh. Khi phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm, không được bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm, các trường hợp không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, mọi hành vi lăng mạ, chống đối phải xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phải phối hợp với công an cơ sở củng cố tài liệu, hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật hình sự; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, ma túy. Trong quá trình xử lý vi phạm, đối với người vi phạm là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên thì ngoài việc xử lý vi phạm, phải thông báo về cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng để xử lý theo quy định.
Thông qua công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, chủ động phối hợp, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông đường bộ, vận chuyển ma túy, hàng lậu, gian lận thương mại... Khi gặp các hành vi chống đối, phải chủ động và phối hợp với các lực lượng khác đấu tranh, ngăn chặn, lập hồ sơ ban đầu và chuyển giao cho các cơ quan chức năng giải quyết theo quy định.
Người dân dần thay đổi thói quen
Việc điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới những vụ tai nạn, vi phạm giao thông, chống đối người thi hành công vụ trong thời gian vừa qua. Trước tình trạng này, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã tăng cường xử lý những trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Mức phạt cao, các ngành chức năng quyết liệt xử lý đã khiến nhiều “dân nhậu” run tay, thay đổi thói quen. Nhiều người đã chuyển từ tự điều khiển phương tiện đi nhậu sang sử dụng các phương tiện dịch vụ như: taxi, grab. “Sau khi lực lượng chức năng tăng cường xử phạt thì số lượng người đi nhậu sử dụng taxi đi từ quán nhậu về nhà nhiều hơn. Nếu như trước đây, chỉ những người say không biết gì, không tự điều khiển phương tiện về nhà được mới sử dụng taxi thì nay đã khác. Có nhiều người còn khá tỉnh táo nhưng vẫn gọi taxi, bởi tiền gọi xe taxi rẻ hơn nhiều so với tiền phạt vi phạm nồng độ cồn. Trung bình một đêm em chở khoảng 10 khách từ quán nhậu về nhà”, anh Linh, một tài xế taxi cho biết.
Mới đây, Thường trực Tỉnh ủy vừa có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trong đó, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu cán bộ, đảng viên phải phát huy vai trò gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành các quy định về sử dụng rượu, bia. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, không giải quyết các trường hợp nhờ tác động, can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm. Đồng thời, thông báo đầy đủ hành vi vi phạm về tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị của người vi phạm để xử lý theo quy định. Quyết tâm hình thành thói quen, văn hóa “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”.
Từ ngày 15/12/2022 đến ngày 11/3/2023, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện và lập biên bản 1.809 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Lực lượng cảnh sát giao thông đã ra quyết định tước giấy phép lái xe 1.071 trường hợp, tạm giữ 1.809 phương tiện vi phạm, ra quyết định xử phạt với tổng số tiền hơn 9,5 tỷ đồng.