Theo dõi trên

“Đắng” mùa dưa hấu

28/01/2016, 07:48

BT- Dưa hấu tết ùn ứ, chất đống kéo dài 2 bên tuyến đường dọc sông La Ngà, hàng trăm ruộng dưa chín rộ nhưng nằm khô dây vì không có người mua. Nông dân Đức Linh, Tánh Linh như đang ngồi trên đống lửa vì giá dưa liên tục giảm mạnh, thương lái thì vắng bóng.

                              
Nông dân buồn rầu bên đống dưa chưa bán    được.
   
Những ruộng dưa chín rộ đang nằm khô dây.

Dưa hấu giảm giá mạnh

Có mặt tại đồng dưa xã Mê Pu huyện Đức Linh, đập vào mắt tôi là những bãi dưa chất chồng mà nông dân đã thuê người cắt rồi di chuyển ra dọc đường để thuận lợi cho thương lái đến mua. Tuy nhiên, dù vậy cảnh mua bán vẫn đìu hiu, người bán nhiều hơn người mua, thỉnh thoảng chỉ có một vài “cò” dưa tạt ngang hỏi qua loa rồi bỏ đi. Theo khảo sát, giá dưa liên tục giảm giá mạnh trong nhiều ngày qua. Nếu như đầu vụ giá dưa ở mức 3.000 đồng/kg thì hiện nay giảm bình quân mỗi ngày từ 200 - 500 đồng/kg. Tuy giá dưa giảm đến mức thấp nhất 1.000 đồng/kg nhưng còn hàng trăm ruộng dưa đã chín rộ đang nằm khô dây vì không có người mua khiến nông dân lo lắng. Anh Trần Lưu, nông dân trồng dưa ở thị trấn Võ Xu cho biết: “Trồng dưa khổ lắm, từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch, hai vợ chồng lúc nào cũng “đầu tắt mặt tối” bên ruộng dưa. Sau hơn 2 tháng bỏ công đầu tư chăm sóc, nhìn 1 ha dưa đạt năng suất cao 4 tấn/sào vợ chồng chưa kịp mừng thì giá dưa càng ngày giảm mạnh. Mọi năm thương lái vào tận ruộng lựa dưa và đặt cọc khi trái còn non nhưng năm nay thì ngược lại. Với giá dưa giống dài hiện nay 1.500 đồng/kg, gia đình tôi chưa dám bán, bởi nếu bán sẽ bị lỗ 4 triệu đồng/sào không đủ chi trả tiền phân thuốc đừng nói đến tiền công chăm sóc lâu nay”. Vừa hăng say giới thiệu về thành quả mà mình cùng gia đình đã tốn công chăm sóc dưa hơn 2 tháng trời, anh Hiếu vừa bổ quả dưa mới cắt từ ruộng và mời tôi nếm thử. Như lời anh nói, giống dưa hấu Hắc Mỹ Nhân với đặc tính quả to, dài, vỏ mỏng, ăn rất thanh ngọt. Hiện giống dưa này đang được thị trường rất ưa chuộng.

Lân la bắt chuyện với một thương lái nhỏ, chúng tôi biết được năm nay dưa hấu không xuất khẩu được nên phần lớn tiêu thụ trong nước. Lượng dưa hấu thu mua chủ yếu đáp ứng nhu cầu thị trường từ Hải Dương trở vào nên khó có thể tiêu thụ hết trong tết năm nay. Những năm trước, nhờ thời tiết thuận lợi, nông dân trồng dưa 2 huyện Đức Linh và Tánh Linh trúng mùa bán được giá nên người trồng thu lãi hơn 10 triệu đồng/sào. Có thu nhập từ trái dưa, nhiều gia đình có tiền sửa sang nhà cửa, đón tết sung túc. Tuy nhiên năm nay, chắc hẳn bà con trồng dưa nơi đây đón cái tết không thật sự trọn vẹn. Gia đình anh Phạm Hòa, ở xã Mê Pu là một ví dụ bị lỗ vốn nặng vì trái dưa tết năm nay. Ngồi rầu rĩ bên ruộng dưa vừa bán xong, anh Hòa chia sẻ, gia đình anh thuê 2,7 ha đất để trồng dưa với mong muốn tăng thu nhập, đón một cái tết sung túc hơn. Tuy nhiên sau hơn 2 tháng chăm sóc với chi phí bình quân từ 8 - 10 triệu đồng/sào, anh đành bán “đổ bán tháo” ruộng dưa với giá 1.500 đồng/kg khiến gia đình lỗ hơn 100 triệu đồng.

                
Khách hàng mua dưa hấu ủng hộ nông dân Đức    Linh tại Siêu thị Coop Mart Phan Thiết.

 Diện tích dưa tăng nhanh

Dưa trúng mùa được giá nên diện tích dưa liên tục tăng nhanh là điều dễ hiểu. Mặc dù, ngành chức năng khuyến cáo bà con nông dân không nên mở rộng diện tích tràn lan khi chưa có đầu ra ổn định nhưng trên thực tế nhiều hộ dân vẫn tiếp tục trồng. Nếu năm trước, Đức Linh chỉ có 140 ha thì vụ dưa tết Bính Thân đã gần  200 ha, còn huyện Tánh Linh diện tích tăng gấp đôi lên đến 150 ha. Vì vụ dưa Tết Ất Mùi 2015, giống dưa dài (còn gọi dưa Hắc Mỹ Nhân) tiêu thụ mạnh nên năm nay phần lớn diện tích bà con đều trồng giống dưa này, giống dưa tròn (còn gọi là dưa Mai An Tiêm) và dưa vàng chưng tết chiếm số lượng ít. Những năm trước, nông dân Đức Linh thường trồng 2 vụ dưa liền kề. Một vụ được xuống giống trong tháng 9 để thu hoạch đúng vào dịp Noel và một vụ thu hoạch trong dịp Tết Nguyên đán. Năm nay đa phần người trồng dưa chỉ trồng một vụ vào dịp tết. Bởi trái dưa bao năm nay đã đem lại cái tết sung túc cho người dân nơi đây, cái khát vọng thoát nghèo, được hưởng cuộc sống đủ đầy mà họ, những người nông dân nghèo đã “liều” mở rộng diện tích dưa. Giờ đây, dưa hấu ùn ứ, những người nông dân ngồi nhìn, công sức của mình sắp trôi sông đổ biển, do nợ vốn ngân hàng, vật tư không có khả năng chi trả vì không bán dưa được.

Anh Trần Văn Minh là một trong số đó, vay 20 triệu đồng tiền ngân hàng cộng với vốn liếng tích cóp bao năm nay anh đã thuê đất đầu tư trồng 1,1 ha dưa hấu tết. Hiện gia đình anh đang hết sức lo lắng trước tình trạng dưa hấu đã chín nhưng chưa bán được. Trước mắt, gia đình anh đã linh hoạt mang dưa đưa ra hai bên đường để bán cho thương lái nhỏ, người dân địa phương và khách vãng lai mong vớt vát lại vốn đầu tư. Tuy nhiên mỗi ngày cao nhất chỉ bán được khoảng 1 tạ với giá 3.000 đồng/kg, còn khoảng 30 tấn dưa dài không biết tiêu thụ sao cho hết. Nếu dưa tại ruộng mà bán được giá 3.000 - 4.000 đồng/kg thì gia đình anh mới có thể thu lại chi phí và có tiền trả nợ vay. “Mặc dù đã được ngành nông nghiệp khuyến cáo không nên mở rộng diện tích tràn lan khi chưa có đầu ra ổn định nhưng để có tiền lo cho các con ăn học, sắm thêm ít tiện nghi để đón tết chúng tôi vẫn cố gắng đi thuê đất để trồng dưa. Vì chúng tôi nghĩ, trồng dưa vẫn kiếm được chút lãi hơn là làm lúa và các loại hoa màu khác. Nhưng không hiểu thị trường năm nay bị khúc mắc chỗ nào mà dưa không thể bán được”, ông Hiếu ở thị trấn Võ Xu giải bày.

 Cần lắm sự chung tay…

Vẫn biết điệp khúc “được mùa thì mất giá” nhưng có thể thấy năm nay, người dân Đức Linh, Tánh Linh phải trả một cái giá quá đắt cho việc mở rộng sản xuất. Ông Nguyễn Đức Binh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Linh cho biết, hiện sức tiêu thụ dưa trên địa bàn huyện đang rất chậm, 4 - 5 ngàn tấn dưa đang đối mặt với tình trạng ùn ứ. Trước mắt, Hội Nông dân huyện sẽ là đầu mối kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể cùng vào cuộc để giúp nông dân tiêu thụ bớt lượng dưa tồn với giá cả đảm bảo cho người dân bù lại chi phí đầu tư. Nếu vận động được thì sẽ ưu tiên cho những hộ nghèo vay vốn ngân hàng được bán trước. Đồng thời kêu gọi nông dân linh hoạt đem dưa tiêu thụ tại các điểm chợ trong vùng và đưa đi tiêu thụ ở các địa phương lân cận. Qua đây, Hội Nông dân cũng khuyến cáo bà con không nên mở rộng diện tích sản xuất dưa mà cần phải tính toán kỹ thị trường tiêu thụ trước khi trồng. Hướng đến, Hội Nông dân huyện sẽ phối hợp với các ngành chức năng triển khai thí điểm mô hình trồng dưa theo quy trình VietGAP và vận động bà con nông dân nhân rộng mô hình.

Giờ đây người nông dân đang cần lắm sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các ngành liên quan. Thiết nghĩ, nếu mỗi tổ chức, đoàn thể, cơ quan, đơn vị vào cuộc giúp nông dân chẳng hạn như mua dưa bán gây quỹ giúp người nghèo, đồng hành cùng nông dân Đức Linh, Tánh Linh tiêu thụ dưa, các tổ chức Đoàn thanh niên vận động tiểu thương tại các chợ, siêu thị  trên địa bàn tỉnh mua dưa hấu góp phần san sẻ nỗi lo giúp nông dân có được cái tết trọn vẹn, ấm áp hơn.

    
      Sau khi Hội Nông dân và UBND huyện Đức Linh đứng ra làm cầu nối kêu gọi,   vận động các doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể cùng vào cuộc để giúp   người dân tiêu thụ bớt lượng dưa tồn. Đến nay, đã có nhiều đơn vị, cá   nhân ở Phan Thiết, La Gi đăng ký mua dưa giải cứu cho bà con với giá   3.000 - 4.000 đồng/kg (vận chuyển về bãi), còn dưa tại ruộng 2.400 -   2.700 đồng/kg.

Phóng sự dự thi: Thanh Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Đắng” mùa dưa hấu